Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khơi thông động lực để tăng trưởng kinh tế trên 8%: Trụ cột kinh tế tư nhân

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp hơn 45% GDP, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Vì thế, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, doanh nghiệp tư nhân cần được “tiếp sức” để tiếp tục phát triển, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung.

Doanh nghiệp của Việt có thể sản xuất chip, máy bay, tên lửa... 

Qua gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh.

Khơi thông động lực để tăng trưởng kinh tế trên 8%: Trụ cột kinh tế tư nhân - 1
FPT hợp tác cùng Nvidia xây dựng nhà máy AI.

Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.   

Với vai trò quan trọng, kinh tế tư nhân được xác định là trụ cột của tăng trưởng và phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, phấn đấu đến năm 2025, khu vực này đóng góp 55% GDP.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, một thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng, ngưỡng mộ, khâm phục, tự hào và tin tưởng về những kết quả đã đạt được và sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong tương lai.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang hình thành những doanh nghiệp có triển vọng vươn tầm khu vực và vượt ra phạm vi toàn cầu như: Viettel, FPT, Hòa Phát, Vingroup…

Để có một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp sánh vai cùng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như ở Hàn Quốc có Samsung, Hyundai, LG, SK… Trung Quốc có Tencent, Alibaba, Huawei, BYD… 

“Trước đây từng có nhiều băn khoăn về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không thể làm nổi ốc vít cho các doanh nghiệp điện tử FDI, nhưng nay FPT có thể sánh vai cùng Nvidia xây dựng nhà máy AI, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới.

Hay Viettel với các khí tài quân sự hiện đại; VinFast “đi sau về trước” với công nghiệp ô tô, sản xuất xe điện vì tương lai xanh; Hòa Phát đảm bảo năng lực làm được đường ray cho “công trình thế kỷ” đường sắt cao tốc vừa được Quốc hội phê duyệt chủ trương.

Doanh nghiệp của Việt Nam giờ có thể sản xuất chip, máy bay, tên lửa... khẳng định năng lực làm chủ công nghệ và tham gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, Chính phủ quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nhiều văn bản pháp luật được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn, tránh tình trạng chồng chéo, giúp doanh nghiệp có định hướng phát triển rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, việc cải cách trong lĩnh vực tài chính, bao gồm các điều chỉnh về thuế, tín dụng và cơ chế huy động vốn cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực hơn.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi họ vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, bảo lãnh tín dụng và các thủ tục tài chính khác. Cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính, cải cách quy trình cấp phép kinh doanh và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Việc triển khai các nền tảng số giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tăng cường minh bạch trong quản lý Nhà nước. 

Hoàn thiện thể chế để tạo “đường băng” cho kinh tế tư nhân cất cánh

Nền kinh tế Việt Nam đứng trước cơ hội thay đổi mạnh mẽ. Với lộ trình phù hợp và thực hiện tốt, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao, tiến tới tăng trưởng 2 con số cũng như các mục tiêu phát triển thịnh vượng vào năm 2030 và 2045. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân cần đảm bảo tăng trưởng cao và bền vững ở mức 2 con số. 

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, để đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả việc hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần kinh doanh và các động lực tăng trưởng.

Khâu đột phá này cần tiếp tục được thực hiện thực chất hơn nữa, như tinh giản các chính sách, văn bản, quy định pháp luật hay giấy phép điều kiện kinh doanh cụ thể; đảm bảo quyền tiếp cận tài sản, đảm bảo các thành phần kinh tế được hoạt động bình đẳng, tự do kinh doanh theo cơ chế thị trường làm kim chỉ nam cho đột phá thể chế.

Đồng thời, thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới, gắn với xu hướng thương mại toàn cầu; đầu tư phát triển khoa học công nghệ, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, làm chủ công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo bứt phá trong quá trình kinh doanh phát triển.

PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế nhưng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Đó là doanh nghiệp tư nhân thường phải đối mặt với nhiều loại thuế và thủ tục hành chính phức tạp, tạo ra gánh nặng không cần thiết, giảm tính cạnh tranh và khiến doanh nghiệp thiên về việc chạy theo thủ tục hơn là tập trung vào sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Khá nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa có đủ năng lực quản lý và công nghệ để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn hoặc doanh nghiệp FDI… 

Để phát huy hết tiềm năng của kinh tế tư nhân, cần có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, bao gồm chính sách, cơ chế và môi trường kinh doanh thuận lợi. Cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thuế cho doanh nghiệp tư nhân.

Xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ.

Vì vậy, cần có các quỹ bảo lãnh tín dụng, chương trình cho vay ưu đãi cũng như thúc đẩy các kênh huy động vốn. Tạo cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, giúp các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao trình độ công nghệ và quản lý.

TS Mạc Quốc Anh cũng cho rằng, doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với nhiều rào cản về thủ tục hành chính và môi trường pháp lý. Thời gian cấp phép đầu tư trung bình ở Việt Nam từ 3 - 6 tháng, lâu hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như Thái Lan với thời gian chỉ khoảng 1 - 2 tháng.

Chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng do vướng mắc về tài sản thế chấp, trong khi 70% còn lại phải tìm nguồn vốn phi chính thức với lãi suất cao. 

Để tháo gỡ những rào cản này, một trong những giải pháp hàng đầu là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh số hóa trong quản lý doanh nghiệp và đơn giản hóa quy trình cấp phép kinh doanh. Hơn nữa, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các bộ, ngành là cần thiết nhằm tránh tình trạng chồng chéo trong phê duyệt dự án.

Cùng với đó, cần mở rộng các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cuối cùng, hệ thống pháp lý cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ, tạo ra sự nhất quán và tránh tình trạng giấy phép con. 

“Doanh nghiệp rất mong chờ vào những cải cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế minh bạch và hiệu quả để cùng đóng góp công sức vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước lên mức 8% trở lên như kỳ vọng”, TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

“Trước đây từng có nhiều băn khoăn về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không thể làm nổi ốc vít cho các doanh nghiệp điện tử FDI nhưng nay, FPT có thể sánh vai cùng Nvidia xây dựng nhà máy AI, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới.

Hay Viettel với các khí tài quân sự hiện đại; VinFast “đi sau về trước” với công nghiệp ô tô, sản xuất xe điện vì tương lai xanh; Hòa Phát đảm bảo năng lực làm được đường ray cho “công trình thế kỷ” đường sắt cao tốc…

Doanh nghiệp của Việt Nam giờ có thể sản xuất chip, máy bay, tên lửa... khẳng định năng lực làm chủ công nghệ và tham gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết.

 Kỳ 3: Nhiều địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 25

Tin liên quan
Gieo mầm xuân cho tương lai

Gieo mầm xuân cho tương lai

(VTE) - Tết Trồng Cây không chỉ giúp thiên nhiên xanh tươi hơn mà còn dạy các em yêu lao động, bảo vệ môi trường và ghi nhớ công ơn Bác Hồ kính yêu.
Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

(LĐXH) - Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, nhân lực giỏi công nghệ, biết vận dụng AI vào công việc...
Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

(LĐXH) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, trước tết, Bộ đã có dự báo tình hình và hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải...