Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xuất khẩu rau quả giảm mạnh vì đối tác “siết” kiểm định

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1 chỉ đạt 374 triệu USD, giảm 29,2% so với tháng 12/2024 và giảm 23,6% so với tháng 1/2024.

Sang tháng 2, nhu cầu trái cây của thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm, dự báo kim ngạch cả tháng chỉ đạt khoảng 400 triệu USD.

Xuất khẩu sầu riêng giảm 80%

Xuất khẩu rau quả sụt giảm do từ đầu năm 2025, Trung Quốc tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu. Theo đó, tất cả lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O, thực hiện tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận.

Đây là quy định bắt buộc áp dụng không chỉ với sản phẩm của Việt Nam mà với tất cả các nước. Giá sầu riêng có thời điểm giảm mạnh, từ mức 230.000 đồng/kg trong mùa trái vụ năm trước xuống còn khoảng 90.000 đồng/kg trong tháng đầu năm nay. Từ đầu năm đến giữa tháng 2, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt khoảng 3.500 tấn, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. 

Xuất khẩu rau quả giảm mạnh vì đối tác “siết” kiểm định - 1
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm mạnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, việc kiểm tra 100% lô hàng và yêu cầu giấy kiểm định chất vàng O khiến xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng để chuẩn bị thủ tục đầy đủ. Không chỉ Trung Quốc, các thị trường khác cũng gia tăng rào cản kỹ thuật với sầu riêng Việt Nam.

Đài Loan đã gia hạn lệnh kiểm tra từng lô hàng sầu riêng nhập khẩu đến ngày 30/4, sau khi phát hiện một số lô hàng không đạt tiêu chuẩn hồi tháng 8 năm ngoái. Tại châu Âu, Liên minh EU cũng nâng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 20% do phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, hoạt động xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Việc thị trường tạm ngưng giao dịch trong thời gian này đã khiến nhiều lô hàng ùn ứ, tác động đến chuỗi cung ứng.

Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam buộc phải thích nghi. Nhiều công ty đã chủ động giảm lượng hàng xuất khẩu trong tháng 1 để hoàn thiện các thủ tục đáp ứng yêu cầu mới.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Chúng ta là người bán hàng, vì thế phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì mới bán được sản phẩm. Hoạt động xuất khẩu sầu riêng đã được nối lại bình thường từ ngày 17/1. Điều kiện nhập khẩu của phía bạn là phải có giấy kiểm nghiệm sản phẩm bảo đảm không có chất vàng O và Cadimi.

Còn từ sau ngày 17/1, lượng hàng xuất khẩu tăng lại được không thì còn phụ thuộc vào nguồn hàng của chúng ta và nhu cầu của thị trường. Hiện nay là thời điểm trái vụ nên sản lượng sầu riêng ít cũng có thể là một phần nguyên nhân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang làm quen với những yêu cầu mới của thị trường nên cần có sự thận trọng. Chúng ta muốn bán được hàng thì phải tuân thủ tốt yêu cầu của họ, đây là quy luật thị trường".

Các chủ vườn trồng sầu riêng cần thay đổi cách canh tác

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, xu hướng tiêu dùng xanh, bảo đảm sức khỏe được các nước cực kỳ chú trọng. Bộ NN&PTNT đã có cơ quan cập nhật những thông tin về các chất dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm là Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam). 

Do đó, doanh nghiệp, nhà sản xuất cần xem xét, nắm bắt thông tin, tuân thủ quy định kiểm định mới, thắt chặt liên kết thu mua để nâng cao chất lượng sản phẩm; cập nhật thông tin kịp thời mới giữ vững chất lượng sản phẩm và thị trường, kim ngạch xuất khẩu cũng được nâng cao.

Nếu nông dân và doanh nghiệp không làm ăn nghiêm túc sẽ dẫn đến mất thị phần tại các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, hàng chế biến cần được đầu tư về mẫu mã và phù hợp tiêu chuẩn nước nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vấn đề của ngành sầu riêng hiện nay rất đáng lo, không chỉ ở việc sụt giảm xuất khẩu mà còn ở việc xử lý các lô sầu riêng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, khi các lô sầu riêng bị từ chối thông quan vì lý do mất an toàn thực phẩm thì xuất hiện tình trạng quay đầu về bán giá rẻ cho người dân.

Nếu không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, thị trường nội địa cũng sẽ mất niềm tin vào sầu riêng.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo các vườn trồng sầu riêng cần thay đổi cách canh tác, tránh lạm dụng phân bón nhập ngoại không rõ nguồn gốc và các cơ sở đóng gói cần thay đổi công nghệ bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như các quy định xuất khẩu. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để gỡ rối cho ngành sầu riêng.

Bộ NN&PTNT cho biết, đang triển khai chương trình giám sát dư lượng hóa chất trên toàn quốc nhằm kiểm soát chất lượng các loại hoa quả, nông sản ngay từ khâu sản xuất, từ đó đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi xuất khẩu. Điều này được kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của thị trường cả trong nước và quốc tế đối với loại trái cây “tỷ đô” này.

Đức Kiên

Báo Lao động và Xã hội số 25

Tin liên quan