Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Lan tỏa những tấm gương sáng vì cộng đồng

(Dân sinh) - Trung sĩ Tống Văn Đông và cô giáo Hà Ánh Phượng là hai trong số 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Hai gương mặt trẻ giàu lòng nhiệt huyết, góp phần lan tỏa những giá trị vì cộng đồng.

Chọn nhiệm vụ nhiều hiểm nguy nhưng không hối hận

Trung sĩ Tống Văn Đông là một trong những đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 ở lĩnh vực An ninh trật tự. Tống Văn Đông là người đã dũng cảm lao vào ngọn lửa cứu nhiều nạn nhân thoát khỏi nguy hiểm trong vụ cháy tòa nhà Cty CP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa tháng 1/2020. Trong lúc cấp bách, anh đã đưa bình dưỡng khí cho nạn nhân và bất tỉnh ngay tại hiện trường vụ cháy. Trung sĩ Tống Văn Đông  cho biết, xuất phát từ mong muốn góp phần đem lại sự bình an cho những người xung quanh và cộng đồng, anh đã đăng ký thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng Công an Nhân dân, qua đó bén duyên trở thành chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn.

Lan tỏa những tấm gương sáng vì cộng đồng - Ảnh 1.

Hạ sĩ Tống Văn Đông có những chia sẻ xúc động về nghề nghiệp, về niềm tự hào đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an Nhân dân.

Trong lần thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại tòa nhà Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Thanh Hóa (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, ngày 16/1/2020), Đông cùng đồng đội đã xả thân dập lửa và đưa các nạn nhân bên trong toà nhà ra ngoài. Đặc biệt, trong lúc cấp bách, Đông đã nhường bình dưỡng khí cho nạn nhân và bất tỉnh ngay tại hiện trường vụ cháy.

Sau hai năm làm nghề đối diện với nhiều hiểm nguy, nhưng Đông khẳng định, anh không hối hận quyết định thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn. Trong tình huống nguy cấp, Đông luôn sẵn sàng "vì nhân dân quên mình".

Với anh, đơn vị là mái nhà thứ hai và đồng đội là những người anh người em ruột thịt. "Niềm vui của chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ là có thể giúp đỡ càng nhiều nạn nhân càng tốt, giải cứu được nhiều tài sản của nạn nhân không để đám cháy lan sang các khu vực khác. Nét lãng mạn của tôi và đồng đội là được cùng nhau tham gia làm nhiệm vụ, cùng nhau đối mặt với khó khăn thử thách phía trước", Đông cho biết.

Trung sĩ Tống Văn Đông chia sẻ, khó khăn lớn nhất của chúng tôi khi tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là thời tiết xấu. Bởi thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc cứu hộ. Yếu tố tiếp theo là thời gian, địa điểm xảy ra cháy nổ.Ví dụ như khi chữa cháy ban đêm, hoặc địa điểm phức tạp khó tiếp cận sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy. Thứ 3 là quãng đường di chuyển, khi xảy ra cháy nổ chúng tôi rất mong muốn được thuận lợi tới đám cháy nhưng trên đường di chuyển có thể do tắc đường làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận đám cháy.

Chỉ số hạnh phúc tăng lên khi về cống hiến cho quê hương

Cô giáo Hà Ánh Phượng là một trong những đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 lĩnh vực Hoạt động xã hội. Cô là diễn giả chính của nhiều sự kiện quốc tế như tuần lễ học tập về phát triển đa ngôn ngữ của tổ chức VVOB tại Bỉ, các hội thảo quốc tế. Cô còn là chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE Expert) và được đề án hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ ghi nhận vì những đóng góp trong giảng dạy và hỗ trợ đồng nghiệp dạy học trực tuyến trong đại dịch COVID-19 năm 2020.

Lan tỏa những tấm gương sáng vì cộng đồng - Ảnh 2.

Cô giáo Hà Ánh Phượng và các học trò.

Tốt nghiệp đại học, cô giáo Hà Ánh Phượng từ bỏ nhiều lời mời làm việc hấp dẫn tại Thủ đô Hà Nội để trở về quê hương là một xã miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Phú Thọ. Vượt qua khó khăn, Phượng đã mang đến làn gió mới cho trẻ em dân tộc thiểu số học ngoại ngữ.

Bằng niềm đam mê, khát khao được giúp trẻ dân tộc thiểu số học tiếng Anh một cách gần gũi, thân thuộc, chị đã mày mò, tìm hiểu sử dụng nền tảng chính từ nhóm giáo viên sáng tạo của Microsoft, xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới. Mô hình cho phép việc kết nối các lớp học với nhau, không hạn chế lớp học ở 4 bức tường, đặc biệt là các lớp học trên thế giới có thể kết nối với nhau cùng làm dự án, nghe giảng, gặp gỡ chuyên gia...

Không dừng lại ở đó, cô giáo Phượng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, dạy học cho các em học sinh tại khu ổ chuột Ấn Độ; lan tỏa dự án Nói không với ống hút nhựa đến hơn 40 quốc gia và đang triển khai dự án Phòng chống bạo lực trên không gian mạng.

Chia sẻ kinh nghiệm khi triển khai lớp học xuyên biên giới, làm thế nào để thay đổi tư duy của các em học sinh dân tộc thiểu số nhằm bắt kịp với công nghệ, giao tiếp, ứng xử với học sinh, thầy cô trên thế giới bởi vốn dĩ các em học sinh dân tộc thiểu số vốn nhút nhát, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, cô giáo Hà Ánh Phượng nói: "Tôi luôn cố gắng "làm bạn" với học sinh để hiểu các bạn ấy hơn. Các bạn đang độ tuổi thích giao lưu, kết nối nên mình đã "nhử" các bạn ấy bằng cách cho kết nối với không chỉ riêng giáo viên nước ngoài mà còn cả học sinh nước ngoài cũng bằng trang lứa với các bạn ấy qua mô hình lớp học xuyên biên giới. Vì thế, lớp học sẽ không chỉ có thầy cô mà chuyển thành việc giao lưu giữa các học sinh là chính. Sau những tiết học các bạn ấy sẽ chủ động nhắn tin cho nhau và trao đổi bằng tiếng Anh qua đó vốn từ các bạn ấy tăng lên đáng kể và cả sự tự tin nữa".

Với sự nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ đó, cô giáo dân tộc Mường Hà Ánh Phượng trở thành 1 trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do Quỹ Varkey bình chọn năm 2020. Nói về quyết định trở về quê làm giáo viên, Phượng chia sẻ: "Được trở về quê hương là một cơ hội chứ không phải một thách thức. Từ ngày trở về Việt Nam, tôi thấy chỉ số hạnh phúc của cá nhân tăng lên rất nhiều".

Tin liên quan
Chủ động ngăn chặn “bà hỏa”

Chủ động ngăn chặn “bà hỏa”

(LĐXH) - Để phòng ngừa “bà hỏa”, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm quy...
Hiểm họa vì làm đẹp cấp tốc

Hiểm họa vì làm đẹp cấp tốc

(LĐXH) - Cận tết là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao, nhiều cơ sở thẩm mỹ tung các chiêu quảng cáo thu hút khách như giá rẻ, đẹp ăn liền, giảm giá...