Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xin một vé đi tuổi thơ: Tết ngày còn nhỏ

Trần Huyền
Trần Huyền

Vào khoảng tháng mười một, mười hai (tức tháng Chạp) từng đàn chim Lửa trời lại bay từ rừng sâu về bản, nó rất dạn người. Chim bay từ trên ngon cây cao xuống các khu vườn chuối quanh nhà, đậu trên các ngọn cây cam, cây đào như muốn nói với mọi người rằng: Tết đến rồi… Tết đến rồi…

Vào lúc ấy, nhà nhà cũng gọi nhau chuẩn bị đeo dao lên rừng hái lá dong, lấy củi Tết…  Lũ trẻ chúng tôi háo hức vô cùng với bầy chim Lửa trời báo Tết. Tôi liền bảo mẹ tôi: “Mẹ ơi, mẹ cho con theo lấy củi Tết với!”.

Thế là tôi rủ thêm mấy thằng bạn nữa cũng đeo dao theo mẹ đi lên rừng kiếm củi Tết và lấy cây chuối rừng để giành cho lợn ăn trong những ngày Tết. Tôi xuống khe sâu chọn những cây chuối to nhất, chặt ngả xuống vác về cất vào một chỗ kín đáo của ngôi nhà sàn, đảm bảo chuối tươi lâu để thái cho lợn ăn.

Xin một vé đi tuổi thơ: Tết ngày còn nhỏ - 1

Tôi theo mẹ mấy ngày cũng kiếm đủ, nào chuối rừng, nào củi chặt… Tôi không thích lấy củi chặt, vì củi chặt lấy dễ quá. Thường trước Tết 1, 2 tháng, bố tôi đã đi chọn những cánh rừng có cây thành ngạnh mọc rất dày, rồi ngả xuống đợi cây khô nỏ làm củi Tết… Gần đến Tết, chúng tôi chỉ cần đi vác về, chặt, xếp thành đống.

Lấy xong củi Tết và chuối rừng thì coi như phần việc chuẩn bị Tết của chúng tôi đã xong và chỉ chờ xem đến Giao thừa mẹ sẽ sử dụng những thứ đó thế nào.

Sắp đến Giao thừa, mẹ gọi các con về ngồi quanh bếp lửa đun bằng củi thành ngạnh. Theo phong tục của người Tày có thêm cành núc nác tươi đun cùng để đuổi ma tà, quỷ dữ... Trên kiềng, một nồi mật đang sôi sùng sục, mẹ nhẹ nhàng thả những quả bột bằng đầu ngón tay lăn tròn vào làm bánh trời…

Mẹ bảo, phải kiêng không được nói chuyện, nếu không bánh trời sẽ nổ tung. Mà bánh nổ tung mỡ bắn vào người thì đau lắm. Bánh chín sẽ được vớt ra bộ bát rất đẹp mẹ cất giữ từ đầu năm ngoái, bây giờ mới được dùng đến. Sau đó, bánh trời được bày lên bàn thờ mời các cụ…

Đêm Giao thừa, mẹ tôi cứ ngồi một mình bên bếp lửa như thế, vừa ngồi vừa lắng nghe. Thỉnh thoảng, mẹ lại rót nước chè mời các cụ trên bàn thờ... Và, hầu như chúng tôi không ngủ, cả đêm thức trắng cùng với mẹ…

Sau lễ đón Giao thừa, bọn trẻ chúng tôi phải ngồi vào bàn học bài. Mẹ bảo học bài đêm Giao thừa con người sẽ sáng dạ và thông minh hơn.   

Các con học bài, mẹ thì ngồi bên bếp lắng nghe xung quanh làng bản có động tĩnh gì không. Nếu có tiếng mèo kêu trước, mẹ sẽ bảo năm đó nhất định hổ báo đến bắt trâu, bò; nếu có tiếng trẻ con khóc trước thì năm đó ốm đau, bệnh dịch nhiều; nếu có tiếng chó sủa trước thì trộm cướp sẽ nhiều.

Và hễ có ai đốt đuốc thì mẹ sẽ can không cho họ đốt, vì đêm Giao thừa kiêng thắp lửa, mùa hạn hán sẽ đến, sẽ mất mùa…

Cho đến tận bây giờ, dù đã hơn năm mươi năm, tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm Tết ngày ấu thơ ở làng bản quê mình.

Ôi, những ngày Tết sao mà thân ái, hạnh phúc và thiêng liêng đến vậy!

Dương Thuấn