Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghề làm mật mía nhộn nhịp cuối năm

Trần Huyền
Trần Huyền

Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, nghề làm mật mía truyền thống ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa lại tất bật, nhộn nhịp nổi lửa, cho ra những mẻ mật mía phục vụ nhu cầu người dân.

 

A1..jpg
Mía nguyên liệu được công nhân đưa đi ép nước.

Cây mía từ lâu đã nổi tiếng là cây trồng chủ lực, giúp hàng nghìn hộ dân ở huyện miền núi Thạch Thành không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Cây mía nơi đây có chất lượng thân mía mềm và ngọt lịm, nhiều nước. Chính nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo này đã tạo ra một hương vị rất riêng cho mật mía Thạch Thành, giúp mật mía ở đây được người tiêu dùng trong khắp cả nước ưa chuộng.

Nơi đây cũng được xem là một trong những “thủ phủ” mật mía lớn nhất tại Thanh Hóa.

A2.jpg
Nước mía được đun sôi nhiều giờ trước khi thành mật

Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ một lò mật mía tại khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân cho biết, chính vụ nấu mật mía thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hằng năm.

Vào giáp Tết, nhu cầu mua mật của người dân tăng cao, hầu như các hộ sản xuất đều phải tất bật làm việc từ 3-4h sáng đến 9-10h đêm, công suất vì thế cũng nhiều hơn, bình quân mỗi lò sản xuất được khoảng 1 tấn mật trong ngày.

Năm nay, do giá mía tăng cao nên gia đình ông sản xuất vụ Tết Nguyên đán muộn hơn so với thường lệ.

A3..jpg
Nước mía sau khi trở thành mật.

“Để làm ra một mẻ mật ngon thì cần chọn được mía đủ tiêu chuẩn. Quy trình nấu đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ. Thợ nấu mật sẽ chuẩn bị nguyên liệu là mía đưa vào máy ép lấy nước. Nước mía sau đó được đưa vào lò nấu.

Thông thường, các lò nấu mật sử dụng các chảo cỡ lớn hoặc thùng phuy để nấu. Phần vỏ mía sau khi ép ra sẽ được phơi khô, tận dụng làm nguyên liệu đốt lò nấu mật. Khi nấu mật mía, người nấu phải giữ lửa trong lò luôn ổn định, không quá to, không quá nhỏ.

Sau nhiều giờ đun nấu, cho đến khi nước mía sủi bọt trắng trào ra, lớp mật cô đọng phía dưới đáy. Lúc này những người thợ sẽ vớt bỏ lớp bọt ở phía trên rồi dùng vải màn lọc lấy dòng mật sánh mịn, xong để nguội, rồi đóng vào các thùng, can để nhập và bán cho khách.

Trung bình một tấn mía nguyên liệu sau quá trình đun nấu sẽ cho ra một tạ mật thành phẩm. Mật nấu xong phải trong vắt, không có cặn, sánh mịn và đặc biệt mật ngon thì để lâu không bị chua, vẫn giữ nguyên màu…”, ông Vinh chia sẻ.

“Năm nay gia đình tôi xuất ra thị trường khoảng 40-60 tấn mật, chủ yếu là những tháng cuối năm, phục vụ thị trường các tỉnh phía Bắc và miền Trung.  Lò mật của gia đình đang tạo việc làm cho 3-4 lao động với thu nhập 8-12 triệu đồng mỗi tháng.

Do giá mía nguyên liệu tăng, gia đình lại sản xuất muộn, giá bán tại lò hiện nay là 15.000-17.000 đồng/kg mật, sau khi trừ chi phí đầu vào và tiền lương công nhân, vụ mật này ước tính lợi nhuận đạt khoảng 50-60 triệu đồng”, ông Vinh thông tin.

A4.jpg
 Một số công đoạn từ khâu chọn mía nguyên liệu đến cung cấp mật mía cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Hà Nội (SN 1988) một công nhân nấu mật mía cho biết: “Trải qua thăng trầm của thời gian, từ ép nước mía bằng cây gỗ và dùng sức trâu bò, rồi đến ép bằng máy nổ và hiện nay dùng mô tơ điện để ép nước mía phục vụ chế biến mật mía. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng mật mía tăng lên, đặc biệt là dịp Tết. Nấu mật mía cũng trở thành một nghề đem lại thu nhập khá cho người dân địa phương”.

Ông Hoằng Khắc Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân cho biết thêm: “Nghề làm mật mía truyền thống ở Lâm Thành đã giúp cho nhiều lao động địa phương có thêm việc làm, thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Mật mía không chỉ cung cấp nhu cầu cho người dân địa bàn mà còn cung cấp cho thị trường trong tỉnh và nhiều nơi trong nước". 

"Giáp Tết là thời điểm nhộn nhịp nhất khi thương lái đến thu mua, vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ, người dân thì lại tất bật hơn để sản xuất…”, ông Khoa nói.

“Đến nay, huyện Thạch Thành đã hoàn thiện quy trình sản xuất, mẫu mã, chất lượng, nhãn hiệu và được công nhận sản phẩm mật mía Đồng Hương Thạch Sơn tại xã Thạch Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chất lượng, mẫu mã sản phẩm được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Sản phẩm mật mía được quảng bá, giới thiệu rộng rãi nên sức tiêu thụ tăng cao hơn trước, qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương…”, ông Bùi Thanh Hiếu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành cho biết.

Quách Tuấn