Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Làng nghề truyền thống khó giữ chân lao động trẻ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cả nước có khoảng 5.400 làng nghề. Các làng nghề chứa đựng những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa lâu đời của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một do nguồn nhân lực trong tình trạng già hóa, thiếu hụt lao động, vắng bóng đội ngũ kế cận có tay nghề.

Thu nhập thấp, lao động trẻ không mặn mà

Năm 2005 là khoảng thời gian “hoàng kim” của làng nghề đan lát Ba Đông (xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) khi có tới hơn 300 hộ sản xuất các mặt hàng đan lát từ tre, nứa phục vụ nông nghiệp, đánh bắt thủy sản.

Nhưng đến nay, làng nghề chỉ còn hơn 40 hộ với trên 80 lao động nhưng cũng không làm nghề thường xuyên mà tranh thủ thời gian nông nhàn, thu nhập bình quân khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề truyền thống khó giữ chân lao động trẻ - 1

Do thiếu thợ giỏi, người có tay nghề cao nên sản phẩm làm ra chưa được cải tiến, giá thành thấp, thị trường tiêu thụ lại bấp bênh khiến việc giữ chân lao động ở làng nghề đan lát Ba Đông khó khăn hơn bao giờ hết.

 Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá Đào Công Thọ cho biết: “Số người gắn bó với nghề trong xã hiện nay chủ yếu là người già từ 60 tuổi trở lên, còn thế hệ trẻ và những người trong độ tuổi lao động đi làm tại các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Hoàng Xá hoặc các ngành nghề khác vì có thu nhập cao và ổn định hơn”.

Thiếu hụt lao động và lớp trẻ kế cận khiến làng nghề sản xuất ủ ấm bình nước Sơn Vi (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đứng trước nguy cơ mai một. Thời kỳ thịnh vượng cách đây vài chục năm, làng nghề có cả trăm hộ sản xuất.

Chiếc ủ ấm dần vươn ra khỏi lũy tre làng, trở thành vật dụng phổ biến được nhiều người ở các tỉnh, thành sử dụng và thậm chí xuất ngoại, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình và lao động địa phương.

Tuy nhiên, trước những biến động và sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, nghề làm ủ ấm dần “thất thế”. Đến nay, làng Sơn Vi chỉ còn lác đác hai, ba hộ sản xuất chính với gần 10 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng/người. 

Ông Nguyễn Đình Hảo, Trưởng làng nghề ủ ấm Sơn Vi đã có gần nửa thế kỷ sống cùng nghề tâm sự: “Trước đây, đa số hộ dân trong làng đều làm ủ ấm thì hiện nay, con số đó đã “rơi rụng” gần hết.

Những người còn bám nghề rất ít và đều đã có tuổi. Đầu ra không ổn định, thu nhập thấp nên lớp trẻ không có ai theo nghề cha ông mà chuyển hướng sang các ngành nghề có thu nhập cao hơn. Thiếu đội ngũ kế cận, nghề ủ ấm Sơn Vi đứng trước nguy cơ thất truyền”.

Nghề rèn Bàn Mạch (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường) đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề từ năm 2006. Nắm bắt nhu cầu thị trường, làng rèn Bàn Mạch đã đổi mới công nghệ, thay đổi mẫu mã ngày càng đa dạng. Các sản phẩm rèn Bàn Mạch không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động trẻ cũng khiến các làng nghề gặp khó trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ông Phùng Văn Đô, chủ cơ sở rèn ở xã Lý Nhân bộc bạch: “Vài năm trở lại đây, nghề rèn phát triển nhờ đầu ra ổn định. Nhiều hộ làm nghề đã ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, nghề này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn phải chịu khó, tỉ mỉ nên khó thu hút lao động trẻ. Lớp trẻ giờ đây thường chọn việc có thu nhập cao hơn nghề rèn”.

Xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) từ xưa đã nổi tiếng với nghề may comple, veston. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chính của ngành này tại đây đang là những nhân lực già, nông dân, không được đào tạo bài bản, mang tính chất “cha truyền con nối”. Vì vậy, nguồn nhân lực trình độ cao còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu của ngành nghề. 

Hướng phát triển bền vững cho làng nghề

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong tổng số khoảng 5.400 làng nghề của cả nước, hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước; 57 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.

Các làng nghề tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc. 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, chiếm đến 60% là: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình và Bắc Ninh. 

Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho   lao động nông thôn. Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, thực tế, nguồn nhân lực tại không ít làng nghề đang lâm vào tình trạng già hóa, thiếu hụt lao động, vắng bóng đội ngũ kế cận. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này xuất phát từ việc lao động trẻ, lao động có tay nghề chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương để tìm kiếm mức thu nhập và chế độ hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, nhiều nghề truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn nhưng điều kiện làm việc khó khăn, thiếu thốn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nguồn vốn ít, thu nhập hạn chế, không ổn định; các chế độ về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động làng nghề chưa được quan tâm đúng mức...

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các làng nghề còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông hoặc theo hình thức truyền nghề. Công tác dạy nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề; các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được lao động nông thôn tham gia, chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu bền vững.

Năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam.

Cụ thể, đến năm 2025, khôi phục và bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và    85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống, phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả;

80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đến năm 2030, khôi phục và bảo tồn ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống, phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch;

Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 5

Tin liên quan
Làng hoa tất bật vào vụ tết

Làng hoa tất bật vào vụ tết

(LĐXH) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân làm nghề trồng hoa, cây cảnh đang tất bật cho vụ hoa tết - mùa sản xuất hoa...
“Khát” vốn vay giải quyết việc làm

“Khát” vốn vay giải quyết việc làm

(LĐXH) - Nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm của người dân khu vực nông thôn rất cao. Song do nguồn vốn hạn chế, nhiều gia đình và cá nhân chưa...