Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Cặp vợ chồng gìn giữ “trái tim” làng dệt the La Khê

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - La Khê là ngôi làng từng phát triển rực rỡ nghề dệt the ở Hà Đông (Hà Nội).

Song trước sự khắc nghiệt của thị trường, cả làng đã bỏ nghề từ lâu. Đến nay, chỉ còn vợ chồng anh Lê Đăng Toản, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh giữ nghề với mong ước mai sau người đời còn nhớ đến nghề dệt the.

Một làng nghề, một xưởng

Cặp vợ chồng gìn giữ “trái tim” làng dệt the La Khê - 1
Vợ chồng anh Lê Đăng Toản, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh là những người cuối cùng còn giữ nghề dệt the La Khê.

Làng La Khê đã thay đổi nhiều lắm. Phố xá đông đúc, ngõ quê xưa trở nên chật hẹp, cảnh buôn bán thì tấp nập. Đáng nói là những tiếng dệt the không còn, cả làng chỉ còn một xưởng dệt của vợ chồng anh Lê Đăng Toản, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh còn thắp lửa cho làng the.

Có người nói, vợ chồng anh Toản đang giữ “trái tim” của làng La Khê. Điều đó cũng không quá bởi với làng nghề điều quý nhất là kỹ thuật, tinh hoa của nghề được gìn giữ bởi nghệ nhân tài hoa, giàu tâm huyết.

Theo tìm hiểu, La Khê từng đi vào ca dao, như câu ca xưa "The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn", ý nói vải lụa the La Khê là một trong những sản phẩm làng nghề đặc trưng. Trong tứ quý danh hương “Mỗ - La - Canh - Cót” thì "La" chính là làng cổ La Khê (nay thuộc địa phận phường La Khê, quận Hà Đông) nổi tiếng với nghề dệt the lụa. 

Chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh học Hán Nôm, yêu làng nên đã tìm hiểu về làng nghề và càng tự hào muốn giữ nghề. Theo các ghi chép về làng, La Khê được hình thành từ thế kỷ thứ 5, ban đầu làng có tên La Ninh ("La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền). Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi tên thành La Khê (tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ).

Ðến đầu thế kỷ 17, người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong đó, 10 gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dạy lại cho dân làng.

Thời đó, hầu hết dân làng La Khê đều sống bằng nghề canh cửi. Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo dần thay thế sồi, đũi nhờ chất lượng được nâng cao như mỏng, nhẹ hơn nhưng lại rất bền và đẹp, được tầng lớp quý tộc ưa chuộng. 

Lịch sử làng ghi lại, năm 1823, triều đình nhà Nguyễn ra sắc lệnh lập La Khê thành một xưởng dệt cho kinh thành Huế, đồng thời cho cả làng được miễn đi lính để tập trung phát triển làng nghề. Khoảng những năm 1840 thời vua Thiệu Trị, xưởng dệt làng La Khê gọi là Chức tạo cục, hàng năm phải sản xuất và cung cấp cho triều đình 600 tấm sa màu. Chợ Cầu Ðơ là nơi người dân trong làng bán buôn, để từ đó thứ sản phẩm cao cấp này đi khắp đất nước.

Sau năm 1954, nghề dệt the tạm lắng, cả làng La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay... Ðất nước thống nhất nhưng trước nhịp sống hiện đại, nghề dệt the của làng mai một dần, tưởng chừng như rơi vào quên lãng... Năm 2002, nhờ chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp La Khê đã tìm cách khôi phục nghề dệt the truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Công Toàn, người từng là chủ nhiệm Hợp tác xã thủ công phụ trách 200 khung dệt của làng từ năm 1960, trực tiếp đào tạo cách dệt the cho gần 30 thanh niên trong làng. Những người thợ trẻ từ chỗ chưa bao giờ sờ tay vào khung dệt, sau vài tháng được các nghệ nhân chỉ bảo, truyền nghề đã biết dệt một số mẫu hoa văn.

Tuy đã cố gắng hết sức nhưng hàng bán rất chậm. Được một thời gian, hầu hết sản phẩm không thể tiêu thụ được, những người làm the bắt đầu bỏ nghề để làm việc khác có thu nhập. Duy chỉ còn có anh Lê Đăng Toản vẫn miệt mài sau khung cửi để dệt the, cung cấp cho một số cửa hàng ở Vạn Phúc và một vài cá nhân trong, ngoài nước.

“Giữ nghề trong cô đơn, lạc lõng”!

Cặp vợ chồng gìn giữ “trái tim” làng dệt the La Khê - 2
Để dệt được cây the cần rất nhiều công đoạn.

Một trong những bí quyết làm nên sự khác biệt khiến lụa La Khê khác với lụa tơ tằm của các nơi khác chính là bộ go võng tạo nên công nghệ dệt có sợi dọc mỗi hàng ngang lại được đan vặn xoắn lại giúp lụa thoáng mát nhưng lại rất chặt mặt, không bị xô dạt. Sản phẩm the lụa có nhiều ưu điểm như mềm mại, thoáng mát, điều hòa thân nhiệt tốt, không bị nhăn, xô hay dạt khi giặt, vò. 

Nhưng sản phẩm the lụa La Khê được sản xuất từ sợi tơ tằm chất lượng cao, dệt thủ công nên giá thành tương đối cao. Trung bình 1mét sản phẩm có giá 90.000 đồng. Một chiếc áo sơ mi có giá từ 200.000 đến 300.000 đồng, khá cao so với sản phẩm may công nghiệp.

Anh Toản chia sẻ: “Dệt the rất tỉ mỉ và công phu, ít có nghề nào bằng. Phải mất 2 đến 3 tháng mới dệt xong một mẫu lụa, thậm chí những mẫu hàng phức tạp phải mất nửa năm. Vẽ hoa để dệt được coi là công đoạn khó nhất bởi không chỉ là vẽ một bức tranh, người vẽ mẫu dệt phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối”. 

Anh Toản bùi ngùi cho biết: “Sản phẩm làng nghề không bán được, từ đó người dân chuyển sang kinh doanh buôn bán, xây nhà trọ cho thuê, không mặn mà với việc dệt the nữa. Hợp tác xã cũng tan, chỉ còn gia đình tôi quyết giữ nghề. Năm 2023, nghệ nhân Nguyễn Công Toàn, người đã truyền dạy kỹ thuật dệt cho tôi qua đời.

Chúng tôi giữ nghề cha ông trong cô đơn, lạc lõng. Người già thì đã yếu, không làm nghề, người trẻ thì không quan tâm. Bản thân tôi cũng từng mấy lần bỏ nghề nhưng rồi thi thoảng lại có khách hỏi, thế là tôi quyết tâm giữ nghề dệt the. Hai vợ chồng động viên nhau, trong cuộc đời phải có người dám làm những việc mà ít ai làm. Nếu tất cả bỏ the thì số phận the làng La Khê sẽ thế nào?”, anh Toản băn khoăn.

Cặp vợ chồng gìn giữ “trái tim” làng dệt the La Khê - 3
Những cỗ máy dệt thủ công vẫn bền bỉ hoạt động trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống.

Vốn là thợ may nhưng chị Quỳnh không trực tiếp tham gia vào các công đoạn dệt trên máy mà chỉ sáng tạo mẫu hoa văn mới. Anh Toản thì thuộc làu từng công đoạn của nghề từ go sợi, lên máy, dựng máy đến thăm go, sô nan và đục bìa (vẽ hoa để dệt) ở từng mẫu hàng như: The, sa, vân, xuyến, băng, là... 

“Anh Toản muốn khôi phục làng nghề truyền thống nhưng phần lớn người dân La Khê đã không làm nghề, quên cách dệt the, khung dệt cũng đã phá. Các nghệ nhân trong làng tuổi cao, sức yếu, dù tâm huyết với nghề cũng không thể dạy con cháu làm nghề trở lại. Việc phục dựng hết sức khó khăn”, chị Quỳnh trăn trở.

Cần sự vào cuộc của chính quyền

Gần 10 năm gắn bó với nghề, anh Toản cho rằng, sản phẩm dệt the phải ngày càng công phu, tinh, đẹp để thu hút khách. Điển hình mẫu áo Thủy Ba do một Việt kiều tại Mỹ đặt, anh phải làm mất 6 tháng. Đến nay, vợ chồng anh giữ được hơn 20 mẫu hoa văn the cổ, trong đó có những mẫu hoa văn cầu kỳ với họa tiết cách điệu như tứ linh, tứ quý hay hình song hạc, mây trời, hoa sen, chữ thọ… 

Để làng nghề La Khê phát triển phải có các tổ chức, cá nhân có chuyên môn trong lĩnh vực tham gia vào quá trình sản xuất và giúp đỡ làng nghề thiết kế ra các sản phẩm lụa mới bắt mắt, phù hợp với xu hướng của thị trường. Anh Toản tâm tư: “Nhìn sang Vạn Phúc mà tôi thấy ngậm ngùi.

Nhiều năm qua, không có cán bộ, chính quyền nào hỏi thăm, quan tâm đến La Khê. Tôi chỉ mong có một đề án hay sự quan tâm nào đó giúp cộng đồng biết đến lụa La Khê - thứ lụa dệt thô nhưng bền chắc, thưa mà không xô lệch. Đó là tuyệt kỹ mà chỉ người La Khê mới làm được”. 

Vợ chồng anh Toản luôn có một niềm khao khát cho the La Khê. Nên dù thu nhập không cao bằng nghề, anh chị vẫn bền bỉ làm việc với ước mơ rằng, một ngày kia, the sẽ được nhiều người chú ý đến hơn hoặc sẽ có những dự án phục hồi. Bởi thế, tháng 10 tới, vợ chồng anh sẽ mở triển lãm các mẫu the tại Văn miếu Quốc Tử Giám để giới thiệu các sản phẩm của làng La Khê với nhiều hoa văn cổ, qua đó cũng để nhắc nhớ về một thời hoàng kim của the.

Hải Xuân

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Tin liên quan
Làng hoa tất bật vào vụ tết

Làng hoa tất bật vào vụ tết

(LĐXH) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân làm nghề trồng hoa, cây cảnh đang tất bật cho vụ hoa tết - mùa sản xuất hoa...