Đam mê và “sống chết” với nghề
Bước sang tuổi 90, người nghệ sĩ già vẫn miệt mài gìn giữ nét đẹp của đất Hà thành xưa với những giá trị văn hóa “một thời vang bóng”. Ông Nguyễn Bảo Nguyên từng là sinh viên giỏi của khoa Vật lý nguyên tử (Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Tuy nhiên, trước ngày thi tốt nghiệp, chàng sinh viên ốm thập tử nhất sinh.
“Bạn bè ra trường cả rồi, người ở lại trường giảng dạy, người về làm trong các viện nghiên cứu, chỉ có tôi ở lại trường và năm sau thi lại. Trong thời gian chờ ngày thi lại tốt nghiệp, tôi đi khắp con phố, xem người ta vẽ tranh truyền thần rồi tự học và rồi đam mê theo nghề tới bây giờ”, ông Nguyễn Bảo Nguyên nhớ lại.
Ông Nguyên không thể nhớ đã vẽ bao nhiêu bức tranh, mỗi bức tranh lại có những câu chuyện, kỷ niệm riêng. Một bức vẽ mà ông ấn tượng nhất là chân dung người bạn thân.
“Đến giờ, ông bạn tôi vẫn mang tranh ra khoe mỗi khi có dịp. Ở góc bức tranh còn ghi lại ngày 15/8/1960, ngày đầu tiên tôi vào nghề và chọn tranh truyền thần là nghiệp”.
Những ngày đầu tiên đến với tranh truyền thần, ông từng đến nhiều nơi xin học nghề nhưng không có ai nhận, vì thế ông phải tự mày mò tìm hiểu. Nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên chia sẻ, vẽ tranh bằng muội cao su bền màu với thời gian vì chất liệu chỉ gồm nguyên tố carbon.
Thời gian có thể làm giấy vẽ bị ố vàng chứ không làm mờ đi đường nét của bức tranh. Đó cũng là yếu tố khiến ông tin rằng dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng nghề vẽ truyền thần vẫn sẽ luôn có những người như ông - đam mê và “sống chết” với nghề.
Thời hoàng kim của nghề vẽ truyền thần trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 1980, trước khi công nghệ chụp ảnh và in tráng bùng nổ và tiện ích.
Đến nay, nhiều bạn nghệ sĩ của ông Nguyên lần lượt rời xa giá vẽ, rời xa muội đèn, chỉ còn ông ngày tháng cặm cụi và tỉ mẩn cho những đam mê và những ai còn luyến tiếc với tranh truyền thần xưa.
Có quãng thời gian rất buồn, cả tuần ông chỉ có một khách. Thế nhưng khi cuộc sống ngày càng hiện đại, máy móc kỹ thuật số đã bão hòa, người ta lại muốn quay về với những giá trị truyền thống và vững bền.
Đau đáu về người kế nghiệp?
Trước đây, quanh phố cổ Hà Nội có đến hơn 40 hiệu vẽ truyền thần nhưng không phải ai cũng có hồn trong nét vẽ, nhất là ở đôi mắt của nhân vật trong tranh, để người được vẽ và người mua tranh xiêu lòng đồng cảm.
Ông Nguyên cho rằng, cái hồn đó được tạo nên từ lòng yêu nghề, sự quyết tâm, kiên trì, bên cạnh đó là khả năng quan sát và tinh tế của người họa sĩ, làm sao cho bắt được cái thần thái trên khuôn mặt người mẫu.
“Chỉ thêm một chi tiết trên ánh mắt, thần thái của bức tranh sẽ có sự khác biệt lớn. Từ một khuôn mặt bình thường, thần thái ở đôi mắt sẽ làm cho bức tranh có hồn hơn”, ông Nguyễn Bảo Nguyên chia sẻ.
Nói về cái hồn trong ánh mắt, đến giờ ông Nguyên vẫn nhớ như in giọt nước mắt xúc động của những người đến nhận tranh vì thấy người thân của họ hiện ra sống động và gần gũi quá. Nhắc tới câu chuyện cảm động của chị Bùi Kim Chi (Hà Nội), ông của chị Chi có người em trai, vì chiến tranh mà thất lạc nhau từ bé.
Trớ trêu thay đến một tấm ảnh cũ hay chỉ là những dòng thông tin cơ bản cũng không có bởi thời chiến tranh loạn lạc. Khó khăn cũng là lúc chị nhớ tới nghệ nhân Bảo Nguyên có tiếng trong nghề, với hy vọng ông có thể vẽ lại chân dung người thân của mình.
Chị Chi kể, lúc đầu ông từ chối vì việc này như vẽ một người không tồn tại. Nhưng khi nghe câu chuyện, ông đã đồng ý vẽ thử dựa trên miêu tả của gia đình. Và rồi, chị Chi vỡ òa khi chứng kiến giây phút người ông của mình xúc động run run cầm trên tay bức vẽ truyền thần chân dung em trai với biểu cảm gương mặt đến nốt ruồi đều quá giống.
Căn phòng rộng chưa đầy 10m2 chứa đầy tranh truyền thần trắng đen. Không những diễn tả dáng dấp, đường nét của khuôn mặt, những bức tranh còn thể hiện được cái “thần” cũng như tâm trạng của nhân vật. Nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên gọi đấy là phần thưởng cho hơn nửa thập kỷ làm nghề. Dù tuổi đã cao nhưng ngày nào ông cũng vẽ.
Nói về nghề, ông chia sẻ, dù đã đào tạo nhiều lớp học trò nhưng đến giờ chỉ có vài người theo được nghề.
"Trước đây, cả Hà Nội có cả trăm người làm nghề vẽ tranh truyền thần nhưng giờ thì chẳng còn bao nhiêu. Chắc còn độ 5 - 6 người, cũng đều đã cao tuổi, liệu những người ấy mất đi thì còn ai nối nghiệp?", ông Nguyên trăn trở.
Khánh Linh
Báo Lao động Xã hội số 69