Làm thủ công với các nguyên liệu tự nhiên
Tôi tìm đến nhà vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1954) và bà Đặng Hương Lan (SN 1960) nằm sâu trong con ngõ 73 trên phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội).
Trong căn phòng rộng chừng 20m2 phủ đầy vật liệu để làm mặt nạ như giấy vụn, bút vẽ, hộp sơn, khuôn đúc, bột hồ… ông Hòa cẩn thận đưa những nét vẽ bằng bút sơn để tạo hình cho mặt nạ, còn bà Lan với đôi tay khéo léo quét từng lớp hồ lên mỗi lớp giấy được cho vào khuôn đúc thành mặt nạ thô màu trắng.

Ông Hòa cho biết, làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống của gia đình vợ. Gia đình bà Lan có 8 anh, chị em nhưng duy nhất bà theo nghề của các cụ. Năm 1979, khi ông bà lấy nhau, bố vợ đã truyền nghề cho ông.
Tính đến nay, ông bà đã theo nghề được 44 năm. Ông bà được nhiều người xem là những nghệ nhân cuối cùng giữ được nghề chế tạo mặt nạ giấy bồi thủ công ở phố cổ.
Bà Lan cho biết, điều đặc biệt của mặt nạ giấy bồi là được làm hoàn toàn thủ công với các nguyên liệu tự nhiên, an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường. Cùng với kiểu dáng độc đáo, màu sắc bắt mắt, mặt nạ giấy bồi được nhiều trẻ em lẫn người lớn yêu thích.

Để làm ra chiếc mặt nạ bằng giấy bồi, nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu từ chuẩn bị nguyên liệu, lên khuôn, bồi thô, phơi phôi, sơn vẽ… tất cả đều làm thủ công, chỉ có giấy là tái sử dụng gồm giấy trắng, giấy báo, bìa carton. Trước tiên, giấy được xé thật nhỏ rồi lót thành một lớp trong khuôn xi măng đúc sẵn.
Các lớp giấy được xếp chồng lên nhau, bồi kết bằng hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5 - 6 lớp giấy vụn bồi sẽ tạo ra khuôn mặt nạ. Công đoạn tưởng đơn giản nhưng chỉ sai sót một chút, mặt nạ sẽ không được căng, mịn.
“Bồi giấy xong, mặt nạ được gỡ ra mang phơi khoảng một ngày dưới ánh sáng tự nhiên để giữ phom, không được dùng máy sấy vì sẽ bị cong vênh, mất thẩm mỹ. Mặt nạ khô sẽ được tô vẽ màu, trang trí họa tiết tùy theo hình thù nhân vật được bồi đúc để tạo hình và điểm nhấn cho sản phẩm. Người tô màu cũng cần hết sức cẩn trọng trong từng nét vẽ mới tạo sự mềm mại, sinh động và có hồn”, bà Lan chia sẻ.

Theo bà Lan, tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Để mỗi mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu phải chia ra từng công đoạn nhỏ. Nếu mặt nạ nhiều màu phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc được bền.
Không chỉ từng màu riêng được tô đi tô lại mà mỗi lần tô xong một màu, mặt nạ lại được phơi, đợi khô rồi mới tô tiếp màu mới. Để giữ được họa tiết mặt nạ hoàn chỉnh, nghệ nhân phải vẽ và phơi hàng chục lần. “Rất kỳ công, một ngày chúng tôi cố gắng lắm cũng chỉ làm được 20 mặt nạ”, bà Lan nói.
Vừa vẽ xong đôi lông mày cho chiếc mặt nạ hình chú thỏ ngọc, ông Hòa nói: “Công đoạn cuối cùng đơn giản nhất là buộc dây chun. Quan trọng nhất vẫn là phần hồn của mặt nạ. Để đẹp và trở thành tác phẩm nghệ thuật, không phải ai cũng làm được, với chúng tôi việc làm đẹp là nhờ bí kíp gia truyền”.
Người tiêu dùng đã quay lại với đồ chơi truyền thống

Ông Hòa cho biết, việc làm mặt nạ giấy bồi tuy không quá khó nhưng đòi hỏi rất tỉ mỉ, kiên trì. Người làm phải cần cù, chịu khó và có một chút khéo tay thì mặt nạ mới có hồn. Công đoạn nào cũng khó vì tất cả là một quy trình liên kết với nhau.
Hiện nhà ông Hòa, bà Lan có khoảng 30 khuôn mẫu mặt nạ khác nhau, chủ yếu do ông Hòa tạo và nặn ra, thậm chí có những khuôn được làm cách đây 50 đến 60 năm.
Bên cạnh những mẫu truyền thống như: Thằng Bờm, ông Tễu, ông Địa, bà Địa, Tôn Ngộ Không, Chí Phèo, Thị Nở, thỏ ngọc, hổ, báo... để phù hợp với xu thế hiện đại và sở thích của trẻ em, ông bà còn làm thêm những mặt nạ siêu nhân, người nhện, người ngoài hành tinh…

Bà Lan cho biết, những sản phẩm mặt nạ giấy bồi đều bán rất chạy và được chuyển bán ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các mẫu truyền thống thường được nhiều người đặt mua với số lượng lớn thường, tập trung vào các dịp lễ, tết... Còn ngày thường, phụ huynh mua cho con các loại mặt nạ siêu nhân, người nhện...
Hiện nay, giá bán mặt nạ giấy bồi của gia đình ông bà dao động từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng và luôn trong tình trạng “cháy” hàng. “Vài năm gần đây, đồ chơi dân gian mặt nạ giấy bồi đã trở lại và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Gia đình tôi sản xuất ra bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. Nhiều trường học còn nhập mặt nạ trắng thô để cho học sinh thực hành trong môn mỹ thuật và được các em rất thích, đón nhận".
Biết ông Hòa và bà Lan là những nghệ nhân cuối cùng ở Hà Nội gắn bó với nghề, nhiều du khách đã đến tìm hiểu về lịch sử, quy trình tạo ra mặt nạ giấy bồi và tự tay làm thử. "Không chỉ làm nghề truyền thống, giờ đây, nhà tôi còn là điểm đón khách du lịch đến trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống", ông Hòa tự hào.
Với những nghệ nhân này, việc duy trì nghề làm mặt nạ giấy bồi không chỉ đơn thuần nhằm mục đích kinh tế mà còn mang ý nghĩa bảo tồn và truyền tải tinh hoa của một nghề truyền thống. Bởi, mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi đều có ý nghĩa riêng biệt, không chỉ là món đồ chơi mà còn là văn hóa Việt Nam.
Hòa Cù
Báo Lao động và Xã hội số 117