Hiểu, thích ứng để tồn tại
Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 6/4/2023 đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa nội dung lên các nền tảng số với tỷ lệ 70% cơ quan báo chí sử dụng các nền tảng số, 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích và xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động;
Đến năm 2030, hướng tới mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Cùng với đó, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số...
Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số, trước hết người làm báo và các cơ quan báo chí phải hiểu được bản chất của nó. Theo TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), bản chất của chuyển đổi số là sự thay đổi về chất, là quá trình sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức hoạt động, phát triển của đời sống con người.
Từ đó tạo ra hiệu quả trong quản lý cũng như năng suất lao động. Chuyển đổi số có ảnh hưởng sống còn tới hoạt động của báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Đánh giá về vai trò của chuyển đổi số đối với báo chí, ông Kiền cho rằng, nó được thể hiện ở khía cạnh: Thứ nhất, chuyển đổi số là cuộc “di dời” báo chí từ không gian thực lên không gian mạng một cách triệt để.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là yếu tố sống còn để báo chí vẫn có thể khẳng định sự tồn tại, vai trò, chức năng của mình trong đời sống mạng. Nói cách khác, nếu không thực hiện chuyển đổi số, báo chí có nguy cơ mất chủ quyền và vai trò trên không gian mạng vốn phức tạp và có rất nhiều nền tảng cạnh tranh khốc liệt.
Thứ hai, chuyển đổi số diễn ra trong mọi mặt đời sống xã hội khiến cho các yếu tố khác của hệ sinh thái báo chí cũng thay đổi theo. Đơn cử như kinh tế báo chí. Khi xã hội thay đổi thì công chúng và nguồn thu báo chí cũng có những đổi thay chóng mặt.
Trong bối cảnh ấy, nếu báo chí không nhanh chóng thay đổi và thực hiện chuyển đổi số thì sẽ mất nguồn thu bởi các dạng kinh tế báo chí truyền thống đang mất dần vị thế, thay vào đó là các dạng kinh tế số.
Thứ ba, chuyển đổi số báo chí gắn với phương thức hoạt động báo chí trên không gian số. Nếu báo chí nói chung, các tòa soạn và nhà báo nói riêng không thay đổi thì sẽ thua ngay trên chính không gian mà mình vốn được xác định là đối tượng tiên phong dẫn dắt dư luận xã hội.
Nhìn từ bức tranh tổng thể của báo chí khi bước vào cuộc cách mạng 4.0 có thể thấy rõ sự thay đổi về mặt truyền tải thông tin bằng nhiều phương thức. Các cơ quan báo chí gần như đang chạy đua với sự phát triển của công nghệ và thông tin, cạnh tranh giữa nhiều luồng tin tức. Từ đây bắt buộc những người làm báo phải có sự thay đổi trong tư duy và kỹ năng làm nghề để thích ứng.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội từng chia sẻ rằng, hơn 20 năm trước, phóng viên đi sự kiện hoặc thực hiện đề tài đều ghi chép ra giấy, viết bài xong phải chạy ra cửa hàng thuê đánh máy để gửi bài về tòa soạn (chủ yếu bằng máy fax).
Muốn tìm hiểu kiến thức hầu như chỉ dựa vào kênh thông tin lưu trữ trong sách, báo của thư viện. Còn bây giờ, công nghệ số trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người làm báo.
Việc chuyển đổi số trong báo chí là điều tất yếu và để thích ứng, sau đó là tồn tại thì cần nhiều hơn sự cố gắng của cá nhân người làm báo trên mọi mặt trận thông tin.
Thời thế mới cần trách nhiệm lớn
Giữa môi trường báo chí 4.0 đang thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, công nghệ trở thành cộng sự đắc lực cho đội ngũ phóng viên để thỏa sức sáng tạo sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: Infographic, Megastory, E-magazine, Long-form...
Việc ứng dụng công nghệ vào làm báo giúp giải phóng sức lao động của nhà báo, tạo cho họ có thêm thời gian, điều kiện sáng tạo, học tập và tiếp thu công nghệ, cống hiến nhiều hơn cho xã hội và đem lại các sản phẩm tốt hơn phục vụ nhu cầu công chúng.
Tuy nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi. Khi nội dung và công nghệ đi đôi với nhau, nhà báo và cơ quan báo chí cần khẳng định được vị thế, năng lực của mình. Câu chuyện viết cái gì, viết như thế nào càng được đặt ra cấp thiết. Người làm báo phải biết luật chơi của công nghệ, thay đổi tư duy ngôn ngữ làm báo truyền thống sang tư duy của báo chí số.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung và công nghệ luôn phải song hành. Nếu nội dung là “vua” thì công nghệ là “hoàng hậu”.
Nhà báo phải làm chủ công nghệ, không được để công nghệ “giết chết” cảm xúc của nhà báo. Đồng thời, người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thời hội nhập.
Có thể thấy rằng, báo chí thời đại 4.0 đang bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Những trở ngại này buộc người làm báo phải khẳng định được giá trị của ngòi bút thì mới đi trước được sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và tồn tại trong không gian số.
Nhà báo cần có khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra những ý kiến chuyên môn về các vấn đề thời sự, đồng thời sáng tạo ra nhiều nội dung với góc nhìn độc đáo.
Bên cạnh đó là trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin được đưa ra để đảm bảo người đọc có được cái nhìn toàn diện và chính xác về các vấn đề thời sự. Đó là điều mà robot và báo chí thuật toán không thể thay thế hoàn toàn vai trò của nhà báo.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong thời buổi mà gần như ai cũng có thể trở thành người làm báo do sự thuận tiện của công nghệ thì vấn đề đạo đức báo chí càng phải được đặt lên hàng đầu.
Người làm báo chân chính cần nắm rõ vấn đề, thực tế từ nhiều phía, đưa đến độc giả nhiều góc nhìn chứ không được vì câu view, câu like mà đuổi theo tin giật gân, chưa được kiểm chứng, thậm chí bịa đặt để thu hút sự quan tâm của người đọc.
Trên thực tế đã xuất hiện những vụ việc báo chí đưa tin sai sự thật cần đính chính, hay những sự việc đáng tiếc khác xảy ra trên trang báo mạng... Người làm báo trong thời đại thông tin như vũ bão hiện nay càng cần xây dựng nguyên tắc làm nghề, tuyệt đối không được để bản thân chạy theo xu hướng, đăng thông tin độc hại đến độc giả.
Dẫu biết rằng khi công nghệ càng phát triển thì thách thức càng lớn với các cơ quan báo chí và người làm báo, nhưng vượt lên trên thách thức thì cơ hội lớn sẽ mở ra.
Thay đổi cách thức làm việc đối với báo chí là điều tất yếu, nhưng cho dù công nghệ có thay đổi đến đâu thì báo chí vẫn phải giữ cho được những giá trị phổ quát, là trách nhiệm xã hội, là tính tin cậy trong thông tin, là sự truyền cảm hứng cho người đọc... Có như vậy, báo chí mới làm tròn vai của mình, phục vụ quần chúng nhân dân, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Phạm Hà
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6