Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Trường Sa, DK1 - Chuyến đi cuộc đời của mỗi nhà báo

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với những người làm báo, được vượt sóng gió đến với Trường Sa, DK1 để tác nghiệp, phản ánh về đời sống cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo là niềm vinh dự, tự hào. Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên báo Dân trí có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các nhà báo đã từng ra công tác tại quần đảo Trường Sa.

Nhà báo Hoàng Ngọc Triệu - Báo Hải quân Việt Nam: 

“Tác nghiệp ở Trường Sa là vinh dự và hạnh phúc lớn lao của người  làm báo”

IMG_3856.JPG
 Nhà báo Hoàng Ngọc Triệu (báo Hải quân Việt Nam) phỏng vấn ngư dân đang đánh bắt trên quần đảo Trường Sa.

Là phóng viên báo Hải quân Việt Nam tôi có cơ hội đến với Trường Sa nhiều hơn các đồng nghiệp khác, có năm theo yêu cầu công tác, tôi ra Trường Sa 2 lần. Nhưng mỗi chuyến đi đối với tôi là một cảm xúc ngập tràn những điều thú vị. 

Mỗi lần ra Trường Sa, tôi luôn tìm kiếm những đề tài hấp dẫn nhất để làm sao hun đúc thêm tình yêu của quân và dân với biển đảo, để tất cả cùng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những tác phẩm của mình tôi luôn nghĩ rằng làm sao để Trường Sa gần với đất liền, luôn hòa nhịp cùng đất liền.

Phản ánh chân thực sự kiện quân và dân Trường Sa lần đầu tiên bầu cử cùng cả nước, điều này thể hiện sự lớn mạnh của Trường Sa. Và Trường Sa là một phần máu thịt không tách rời với đất nước, với dân tộc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng tất cả đều hướng về Tổ quốc và Trường Sa cũng bình dị, thân thuộc như mọi làng quê trên đất nước Việt Nam”.

Dù vừa là người lính hải quân vừa là nhà báo, đến và tác nghiệp ở Trường Sa nhiều lần nhưng với tôi, tác nghiệp báo chí ở Trường Sa phải nói là rất đặc biệt. Nó không giống và không theo bất cứ một “kịch bản” định trước nào.

Bởi lẽ, ngay cả lịch trình của đoàn công tác cũng có thể bị thay đổi vì thời tiết, sóng gió ngoài biển khơi, hay những diễn biến không thuận lợi khác. Dẫu vậy, để tác nghiệp hiệu quả, cần chuẩn bị kỹ từ trong đất liền về hành trình các điểm đến. Cần xác định những đề tài quan tâm, những nhân vật mình dự kiến khai thác để có kế hoạch phỏng vấn…

Nhưng khó khăn nhất với nhà báo khi tác nghiệp tại Trường Sa đó là không có sóng điện thoại và không thể vào được internet, cũng như truy cập facebook, zalo… những ứng dụng không thể thiếu trong tác nghiệp.

Để tin, bài, hình ảnh trong chuyến công tác được gửi tin sớm nhất về đất liền, chúng tôi phải cắt nhỏ, nén ảnh, tin, bài lại đến mức thấp nhất có thể, sau đó nhờ gửi theo đường quân sự. Phải qua hai đến ba cầu gửi - nhận liên tục, thông tin mới đến được tòa soạn…

Nhưng bằng tất cả lòng yêu nghề, nhiệt huyết của mình, những hình ảnh, tin, bài từ Trường Sa đã được chúng tôi truyền tải kịp thời về đất liền một cách nhanh nhất. Và điều đặc biệt, đối với mỗi lần được tác nghiệp tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn là trải nghiệm vô giá và quan trọng hơn đó là vinh dự và hạnh phúc lớn lao của người làm báo.

Nhà báo Lê Phương Dung - Trung tâm PT-TH Quân đội: 

“Trường Sa nghĩa là sống có trách nhiệm”

z5503350034510_9df3c3a1ac7abb136379ffe9478b1628.jpg
 Thiếu tá, nhà báo Lê Thị Phương Dung và Đại úy Lê Quang Toán, Chính trị viên đảo Đá Nam, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.

Nghề báo cho tôi nhiều trải nghiệm, cho tôi cơ hội được đi, được học hỏi, được khám phá, được kết bạn… thế nhưng, điều quan trọng nhất tôi học được từ nghề báo đó là biết sống có trách nhiệm và nơi tác nghiệp ý nghĩa nhất tôi từng đến đó là Quần đảo Trường Sa.

“Trường Sa không có ngọc lan, không có chim hót, không hẹn hò và không đón đưa…” Trường Sa chỉ có khát vọng, ý chí, bản lĩnh và niềm tin của những người lính da sạm đen vì nắng gió, vầng trán hằn lên nỗi nhớ hậu phương và đôi mắt sáng ánh lên niềm vui mỗi khi cánh nhà báo chúng tôi xin phỏng vấn.

Tôi đã bén duyên với Trường Sa ngay từ hải trình đầu tiên, bất chấp những cơn say sóng vật vã của chuyến tác nghiệp cuối năm, bất chấp sự bỏng rát của những ngày hè tháng 6. Tôi TỰ HÀO về sự cống hiến của những người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền, tự hào về dải đất tươi đẹp là một phần máu thịt không thể tách rời khỏi Tổ quốc.

Tôi XÚC ĐỘNG khi chứng kiến cuộc sống gian khổ nhưng đầy kiên cường, sự đoàn kết, yêu thương giữa những con người xa lạ nơi đầu sóng.

Tôi KHÂM PHỤC tinh thần chiến đấu, lòng dũng cảm, sức sống mãnh liệt và sự lạc quan của những người lính và cư dân trên đảo. 

Tôi BIẾT ƠN họ đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, rời xa gia đình để bảo vệ Tổ quốc, biết ơn sự hiếu khách và tình cảm ấm áp họ dành cho chúng tôi - khách của đảo.

Tôi trân trọng và thấy mình cần có TRÁCH NHIỆM trong việc truyền tải chân thực những câu chuyện, hình ảnh Trường Sa tới đồng bào cả nước; trách nhiệm trong việc lan tỏa ý thức bảo vệ chủ quyền và kêu gọi, kết nối những nguồn lực hướng về Trường Sa.

Tôi đã được tham gia nhiều hải trình đến với Trường Sa, tôi sẽ còn tiếp tục đi và viết về Trường Sa bất cứ khi nào tổ chức phân công. Đối với tôi, hai tiếng Trường Sa luôn được giữ gìn nơi lồng ngực trái, là động lực, là niềm tin, là mệnh lệnh khiến tôi sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời này.

Nhà báo Hà Lê - Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng: 

“Trường Sa: Mang ra tình cảm - Mang về niềm tin”

z5524854047509_fd098cab1082c6ebc7917b03e55ba8e3 (1).jpg
Nhà báo Hà Lê - Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng cùng các chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa.

“Mang ra tình cảm - Mang về niềm tin”. Tôi không nhớ câu nói này có từ bao giờ, nhưng nó vẫn luôn được nhắc nhớ trong suốt Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2023 khi tới thăm, động viên và tặng quà trên huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. 

Đối với tôi, hành trình đến với Trường Sa là hành trình tìm lại nhiệt huyết và cảm xúc làm nghề trong chính bản thân, cùng tâm nguyện góp sức lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương tới các bạn trẻ. Để những người dù chưa được đến với Trường Sa sẽ cảm nhận về một Trường Sa không còn xa nữa - một Trường Sa thật gần gũi, mến thương.  

Đã tròn 1 năm về lại đất liền, nhưng những câu chuyện về sức sống mãnh liệt trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai của Trường Sa, của nhà giàn, của những người trẻ đạp bão giông và gian khó để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn cứ sống động khôn nguôi và sẽ mãi là trải nghiệm quý giá trong đời làm báo của tôi. 

Từ sớm bình minh, không ai rủ ai nhưng rất đông đại biểu đã có mặt ở boong tàu để được cùng chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần đón ánh nắng đầu tiên. Thời tiết lúc 6 giờ sáng đã nắng trắng mặt. Nhưng nắng to thì biển lặng và may mắn đó đã giúp những chiếc xuồng chở đại biểu rời tàu KN390 lao nhanh vun vút tới nhà giàn.

Từ xa, vẻ đẹp kiêu hùng, vững chãi của nhà giàn hiện dần lên thật gần, rõ nét. Lần đầu “leo bộ trên biển” bằng rất nhiều tầng thang vững chãi, tôi tới được sàn ở cách mặt nước khoảng 15m.

Chứng kiến cuộc sống sinh hoạt bình dị của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tôi vô cùng xúc động và cảm phục trước tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính.

Khó có thể hình dung rằng, giữa bốn bề sóng gió, hàng chục chậu đất trong vườn ươm với rau cải, rau muống, diếp cá, mồng tơi vẫn mọc lên xanh mướt. Tiếng chim chào mào hót ríu ran và tiếng đàn ghi ta của anh lính trẻ như “kéo” đất liền lại gần hơn.

Chương trình liên hoan văn nghệ theo phong cách “ngồi bệt” đã nhanh chóng được tổ chức vui rộn rã. Tất cả các nghệ sĩ, đại biểu và cán bộ, chiến sĩ đã cùng khoác vai nhau, vỗ tay, hoà nhịp ca vang lời hát: Sóng gió, mặc sóng gió, lính nhà giàn chúng tôi ở đó…

Say sưa với lời hát trên nhà giàn, tôi càng có cảm nhận sâu sắc về những gian lao, vất vả và cả những hi sinh của người lính Hải quân. Họ trẻ tuổi, nhưng sự mãnh mẽ, kiên cường và bản lĩnh có thừa khi vượt lên nỗi nhớ đất liền, nhớ nhà, nhớ người thân.

Tôi biết, có những anh 8 - 9 tháng chưa được gặp người thân, nhưng vẫn vui vẻ cùng đồng đội bám biển, bám nhà giàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với các anh, hiểm nguy, khó khăn, gian nan chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, quyết tâm. 

Rời nhà giàn về tàu, không ai rủ ai, nhưng rất đông đại biểu đã có mặt ở boong để vẫy tay chào chiến sĩ nhà giàn. Và dù trên gương mặt nhiều người đang còn đẫm nước mắt, song tất cả đều đồng thanh thật to: "Đất liền yêu Nhà giàn". Lời đáp từ dội lại vang rền: "Nhà giàn yêu đất liền…"

Tàu rời xa dần, tôi vẫn dõi nhìn hình ảnh Nhà giàn DK1/2 sừng sững giữa đại dương. Dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” trên nóc nhà giàn như khắc vào tâm trí.

Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần và các nhà giàn hiện diện kiên cường giữa biển khơi sóng gió, chính là những cột mốc chủ quyền mang hồn thiêng đất nước, nhắc nhở mỗi chúng ta về tình yêu và trách nhiệm đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngọc Ước  - Thu Hà (thực hiện)

Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam 21/6

Tin liên quan
Gieo chữ ở Trường Sa

Gieo chữ ở Trường Sa

(VTE) - Cùng với các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biên cương và hải đảo, những người dân Việt Nam cũng âm thầm góp sức gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng...