Trường học nơi tâm lũ
Những tháng cuối năm 2020, miền Trung mưa không dứt. Bão chồng bão, lũ trồng lũ. Nước từ thượng nguồn các con sông đổ về, vùng hạ lưu trở thành biển nước. Ở xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), con sông Vệ hàng năm bồi đắp phù sa nhưng cứ mỗi mùa mưa về, xã này lại trở thành vùng rốn lũ, có nơi ngập sâu ngang ngực.
Từ Đà Nẵng về đến Hành Tín Đông đã non trưa, chúng tôi ghé vào thăm trường mầm non của xã. Lúc này là giờ ăn trưa của các cháu. Ở lớp 5 tuổi, Huyền Trâm là cô bé ăn xong sớm nhất, sau khi tự cất bát đũa của mình, cô bé còn giúp cô giáo và các bạn thu dọn bàn ăn. Sau khi ăn xong, các cháu xúc miệng, rửa tay rồi tự lấy giường, lấy chăn gối và ngủ trưa. "Ở vùng nhiều khó khăn, nên trẻ hầu như đều tự lập sớm em ạ", chị Hà - Hiệu phó Trường mầm non Hành Tín Đông nói. Chỉ sau 5 phút, toàn bộ các cháu đã nằm gọn gàng trên giường xếp; tiếng chúc cô giáo, chúc các bạn ngủ ngon vang lên, rồi các cháu ngoan ngoãn đi ngủ.
Đứng từ tầng 2 của dãy nhà mới xây, chị Hà chỉ tay về phía dãy phòng học cũ rồi nói, sắp tới, nhà trường sẽ cải tạo lại dãy phòng học cũ để đón thêm các cháu vào học. Hiện nay, toàn trường có 211 cháu từ 2 tuổi đến 5 tuổi, chia làm 4 lớp, học toàn bộ ở dãy nhà mới xây. "Nhờ dãy nhà mới xây này mà sau khi lũ rút, các cháu được đi học ngay vì toàn bộ đồ dùng học tập được đưa lên tầng 2, không bị hư hỏng. Khi lũ rút chỉ cần dọn dẹp bùn đất là bắt đầu giảng dạy được ngay", chị Hà nói thêm.
Ngược thời gian, trở lại thời điểm giữa năm 2019, dãy nhà mới Trường mầm non Hành Tín Đông được khởi công xây dựng trong niềm hân hoan của chính quyền địa phương, của thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Mất gần 1 năm xây dựng, một dãy nhà 2 tầng, có diện tích 355m2, gồm 4 phòng học lớn và các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy… được đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí là 4,5 tỷ đồng. Toàn bộ do Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn tài trợ.
Nói về công trình này, ông Trịnh Bê - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông chia sẻ, toàn xã có 1133 hộ với 3691 nhân khẩu; trong đó có 85 hộ với 315 khẩu là người dân tộc H're. Những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng khá đầy đủ nhưng do phân bố trên địa bàn rộng, bị chia cắt bởi sông và núi, lại thường xuyên bị lũ lụt; nên kinh tế xã hội nói chung, giáo dục nói riêng xã Hành Tín Đông vẫn chưa phát triển tương xứng. Vậy nên, việc Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn tài trợ xây dựng cho trường mầm non đã góp phần làm thay đổi bộ mặt giáo dục của xã.
Lan toả yêu thương khắp đất nước
Trường mầm non Hành Tín Đông chỉ là một trong rất nhiều công trình an sinh xã hội được BSR tài trợ trong thời gian qua. Đi đôi với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, BSR luôn quan tâm đến cộng đồng, thực hiện công tác an sinh xã hội, đặc biệt là giáo dục và y tế. Hàng năm, Công ty luôn dành một khoản kinh phí khoảng 30 - 40 tỷ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên cả nước. Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông.., từ miền Bắc, miền Trung đến Tây Nguyên, ở nơi đâu cũng có dấu ấn của các công trình an sinh xã hội của BSR.
Có thể điểm qua 1 số công trình nổi bật mà BSR đã khánh thành trong năm 2020 như Trường TH và THCS Bế Văn Đàn (xã Đắk R'Moan, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Đây là hạng mục nhà 2 tầng 8 phòng học và khu vệ sinh sạch sẽ, tường rào, cổng ngõ, sân vườn,… với tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Trong đó BSR tài trợ 5 tỷ đồng. Công trình được khởi công xây dựng trên khuôn viên hơn 1 ha và hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp năm học mới 2020 - 2021. Đến tháng 11/2020, BSR tiếp tục tổ chức khánh thành hạng mục nhà 2 tầng cho Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Công trình bao gồm 10 phòng học và các công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí là 5,6 tỷ đồng, trong đó BSR tài trợ 5 tỷ đồng, ngân sách thị xã Điện Bàn đóng góp thêm 600 triệu đồng.
Công trình tại Trường mầm non Hoa Hồng (phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), ngôi trường đã có lịch sử tồn tại hơn 30 năm, trước kia đón nhận con em phía nam sông Cầu vào đây học hành, vui chơi. Xong thời gian đã làm những nếp nhà cấp 4, lợp tôn xuống cấp, cần chỉnh trang, xây mới.
Trên cơ sở khảo sát thực tế và đề xuất của địa phương, BSR đã quyết định tài trợ, mang tấm lòng người thợ lọc dầu bằng một ngôi trường khang trang để dành tặng con em Tuy Hòa, với tổng vốn đầu tư công trình là 5 tỷ đồng.
Nói về hoạt động an sinh xã hội của BSR, ông Bùi Xuân Dương - Chánh Văn phòng, Thường trực Hội đồng an sinh xã hội BSR cho biết: Tuy năm 2020 BSR gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhưng Công ty vẫn dành một phần ngân sách để thực hiện các chương trình an sinh xã hội như hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ nhân đạo, thực hiện các công trình trường học, y tế trên cả nước. "Riêng đối với các công trình liên quan đến giáo dục, hy vọng những đóng góp nhỏ bé của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ tạo ra cơ hội mới cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, mong muốn các thầy cô giáo sử dụng công trình đúng mục đích, hết công năng và luôn nỗ lực hết mình, tâm huyết để tạo ra môi trường giảng dạy tốt nhất cho các em", ông Bùi Xuân Dương nhấn mạnh.
Đọc bảng thống kê dự kiến các công trình an sinh xã hội trong năm 2021 của BSR, nhiều địa danh khó khăn trong cả nước tiếp tục được giúp đỡ. Đó là một điểm trường tại huyện vùng cao Mù Căng Chải (Yên Bái), Trường mầm non ở Triệu Phong (Quảng Trị), Trường tiểu học ở M Drắk (Đắk Lắk), Trường mầm non Hoa Sen (huyện miền núi Trà Bồng, Quảng Ngãi), Trạm y tế xã Thuỵ Dân, huyện Thái Thuỵ (tỉnh Thái Bình)…
Vậy là sẽ có thêm nhiều em học sinh ở các vùng khó khăn được học ở trong những ngôi trường mới sạch đẹp, chắc chắn, nhiều bệnh nhân được chăm sóc trong trạm y tế mới,… với nguồn tài trợ từ BSR. Và cũng ở đó, những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn được thắp lên từ những công trình an sinh xã hội của BSR, từ đó lan tỏa tình yêu thương của những người thợ lọc dầu đến với mọi miền đất nước.