Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phát triển năng lượng rất cấp bách, có việc phải như “thời chiến”

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, do thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư. Còn TS Lê Đăng Doanh sốt ruột: "Nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như “thời chiến”.

Đây là ý kiến các đại biểu đưa ra tại tại cuộc họp lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế và các Bộ, ngành chức năng về lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen và Kế hoạch triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhất trí với các ý kiến cho rằng đây là vấn đề “khẩn trương, cấp bách và đặc thù”.

Cần các cơ chế, chính sách đặc thù 

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện đông đảo Lãnh đạo Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam cùng gần 20 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ.

Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết, hiện chúng ta chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện...

"Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để bảo đảm mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Tất cả các vướng mắc trên đã làm nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí", Tổng giám đốc PV GAS nói.

Ông Phong cho biết thêm, đến nay Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp LNG tái hóa cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ.

Các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Có thể thấy hạ tầng nhập khẩu LNG còn rất thiếu để bảo đảm mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.

Thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Rủi ro rất cao cho nhà đầu tư

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, ngoại trừ Hydrogen, hiện các lĩnh vực liên quan đến thực hiện Quy hoạch điện VIII thuộc trách nhiệm của PVN đều đang được triển khai. Tuy nhiên do thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư.

Nói về điện gió ngoài khơi, ông Hùng cho hay, điều này PVN hoàn toàn làm được, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch và chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.

Các chuyên gia đều thống nhất chung ý kiến đó là cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, tuy nhiên do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực…), văn bản quy phạm pháp luật khác và liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, Bộ Công Thương cần có báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền có cơ chế đặc thù để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc chưa được pháp luật quy định, theo các chuyên gia.

Giá điện cần theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn

Dẫn chứng kinh nghiệm thực tiễn, từng tham gia các tổ công tác thời kỳ đổi mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như tham gia tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhiều năm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: "Nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như “thời chiến”".

Trước tính cấp bách và khẩn trương trong việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, theo ông Doanh, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng Bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm.

Mà trước hết đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn.

Mặt khác, ông Doanh lưu ý, cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đã nhấn mạnh, nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu, nhất là trong mua bán với quốc tế.

"Phải có chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí. Giá đầu vào do thị trường quyết định, còn giá đầu ra do Nhà nước ấn định thì muôn đời không làm được", do vậy ông Thoả đề nghị sớm sửa Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng, tính đủ. Nút thắt tài chính cụ thể về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả với điện khí và điện gió.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí với các ý kiến cho rằng đây là vấn đề “khẩn trương, cấp bách và đặc thù”, và đánh giá cao những giải pháp, đề xuất cơ chế chính sách cần có trong lĩnh vực này khi mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể.

Thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, cần thành lập các tổ công tác, nhóm công tác tập trung vào giải quyết các vướng mắc cho các dự án này, với sự tham gia của cả các chuyên gia đầu ngành và đại diện các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Những vướng mắc của các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đều cần phải được xem xét, giải quyết một cách khẩn trương, đồng bộ từ chủ trương đến cơ chế chính sách”, ông Diên khẳng định.

Thanh Nhung

.

Tin liên quan