Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026 - 2030.
Tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026 - 2030
Năm 2024, lần đầu tiên sau nhiều năm (kể từ 2016), chúng ta đã đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu phát triển KTXH với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật. Từ đà phát triển này, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và phấn đấu tăng trưởng hai con số.

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2025 được dự báo có những biến động của nền kinh tế thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tình trạng phân mảnh, phân tách trong hợp tác kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng, đòi hỏi chúng ta phải có kịch bản phù hợp để vừa tháo gỡ những khó khăn, tồn đọng, vừa tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ nhanh và triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại, đặc biệt là điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Trong đó, điểm nghẽn về thể chế được coi là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhằm làm mới, huy động và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực truyền thống như nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nhất là nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên và nguồn tài lực. Giải pháp đột phá và cụ thể để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, với yêu cầu được đặt ra ở mức cao như trên thì năm 2025 cần được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn. Cách tiếp cận và xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng cần được nhìn nhận theo hướng không chỉ đảm bảo tăng trưởng cao riêng cho năm 2025 mà còn phải tạo được nền tảng quan trọng để tăng trưởng cao và bền vững trong 5, 10 năm tới.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm, Nghị quyết của Quốc hội đã quyết nghị chỉ tiêu tốc độ tăng GDP năm 2025 là khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý phải phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra).
Nói về cơ sở tăng trưởng cho năm 2025 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, trong bối cảnh tình hình mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta được thừa hưởng động lực tăng trưởng và sự phục hồi của nền kinh tế, tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024 (7,09%) vào năm 2025.
Năm 2025 - "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá"
Bước sang 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; năm khởi động, chuẩn bị của nhiệm kỳ 2026 - 2031 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Ở trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; chúng ta vừa phải tập trung thực hiện để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, vừa phải sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá" với mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật;
Phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí;
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1% và 71 chỉ tiêu khác.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cam kết nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân;
Cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin, tạo hy vọng, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Từ mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Chính phủ đã nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025.
Một là, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" gắn với phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Hoàn thành việc sắp xếp bộ máy các cơ quan của Chính phủ trong tháng 2.
Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, chế độ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời thực hiện thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng và bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Hai là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, tập trung xây dựng ngay kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả.
Trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ba là, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay trong và ngoài nước, nguồn lực hợp tác công tư và các nguồn hợp pháp khác để đẩy nhanh đầu tư các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển. Đầu tư toàn diện hạ tầng số, hạ tầng nghiên cứu phát triển (R&D), nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia, cáp quang biển; đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu 6G, ứng dụng các loại dịch vụ vệ tinh...
Năm là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, kỷ nguyên mới.
Sáu là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp đối tượng yếu thế. Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Phấn đấu năm 2025 hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội; tập trung mọi nguồn lực để đến cuối năm xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát.
Bảy là, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tám là chủ động thông tin tuyên truyền, tạo động lực và đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, phản ánh đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Châu Giang
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ