Đổi mới bộ máy quản lý nhà nước và giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định việc phân cấp, phân quyền trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là một trong những cơ chế then chốt để giải quyết những "nút thắt" về thể chế đang tồn tại.

Theo ông Cường, nếu không có phân cấp và trao quyền, các cấp thực thi khi gặp những quy định không phù hợp sẽ phải liên tục hỏi ý kiến cấp trên, gây ra tình trạng chờ đợi. Đây là tồn tại do cơ chế quản lý theo hành vi, tức là luật pháp đưa ra các quy trình chi tiết và người thực hiện phải tuân thủ một cách máy móc.
"Vì thế, giao việc mà không trao quyền thực hiện sẽ dẫn tới việc trông chờ, ỷ lại, thậm chí đùn đẩy và phải hỏi," đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh đồng thời đề nghị khi phân cấp, tức là giao việc cần phải trao quyền trong việc thực hiện các công việc đó.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường nhắc đến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Luật không thể quy định chi tiết đến từng cách thức làm thế nào, mà chỉ quy định những vấn đề mang tính chất nguyên tắc, yêu cầu. Từ những nguyên tắc, yêu cầu đó sẽ trao quyền cho các cấp địa phương, những cấp trực tiếp thực hiện."
Đánh giá dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, là một trong 4 dự thảo luật rất quan trọng trong cuộc cách mạng tinh gọn, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, Dự thảo Luật có những ưu điểm như: Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, Luật quy định rõ trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, cơ chế báo cáo trước Quốc hội trước nhân dân được quy định rõ hơn;
Đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy phân quyền, mở rộng phân quyền cho địa phương, giúp giảm tải công việc cho trung ương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia theo hướng hiện đại.
Về một số góp ý cụ thể, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, việc phân quyền, phân cấp cần được kiểm soát chặt chẽ bởi việc phân quyền mạnh mẽ có thể dẫn đến việc cát cứ, chồng chéo trong quản lý giữa trung ương và địa phương.
Cần cơ chế giám sát rõ ràng để tránh tình trạng địa phương tự quyết định nhưng không đảm bảo đồng bộ với chính sách quốc gia. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương khi thực hiện quyền được phân quyền, phân cấp và cơ chế phối hợp giữa các địa phương.
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Hà Phước Thắng (đoàn TPHCM ) cho rằng, là đạo luật có tính nền tảng, chi phối các cấu trúc tổ chức ở địa phương. Với cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang được triển khai, Luật cần thiết được ban hành mới, chuyển tải những điểm đột phá về thể chế quản lý, thay vì chỉ dừng ở mức sửa đổi.
Ông Thắng đề xuất cơ quan soạn thảo nên tách các quy định về chính quyền đô thị sang Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt và Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò là "luật khung" đưa ra các nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong cả nước từ đó các địa phương có thể phát triển và áp dụng các quy định cụ thể sao cho phù hợp với đặc thù của mình.
Ông Thắng cũng đề nghị làm rõ các khái niệm "phân quyền", "phân cấp", "ủy quyền" để làm rõ sự khác biệt giữa các hình thức này và minh bạch, thuận tiện trong quá trình thực hiện. Ông cũng đề nghị quy định cụ thể tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định về các loại nhiệm vụ có thể ủy quyền và các nhiệm vụ không được ủy quyền để tránh tình trạng lạm dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu Thắng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực và đề nghị bổ sung chế tài xử lý khi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ ủy quyền. Trong đó, Luật quy định rõ trách nhiệm của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền khi có sai phạm.
"Cần tăng cường kiểm soát và đánh giá hiệu quả ủy quyền theo hướng quy định báo cáo định kỳ về việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, bổ sung cơ chế thu hồi ủy quyền nếu đơn vị thực hiện không hiệu quả," ông Thắng nói.
Đại biểu đề xuất đánh giá kết quả công tác của Bộ trưởng dựa trên KPI
Liên quan đến trách nhiệm giải trình của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, quy định trong Dự thảo Luật là chưa đủ chặt chẽ, chưa có chế tài rõ ràng nếu Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc đưa ra quyết định sai lầm; chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả công việc của từng Bộ trưởng theo các tiêu chí cụ thể.
“Tôi đề xuất bổ sung cơ chế đánh giá hàng năm về kết quả công tác của Bộ trưởng dựa trên KPI rõ ràng; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng khi xảy ra sai phạm trong điều hành ngành, lĩnh vực”, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất.
Trong khi đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật quy định Chính phủ thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng chưa làm rõ cơ chế vận hành cụ thể của nguyên tắc này. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật có yêu cầu là tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu năng hiệu lực, hiệu quả nhưng chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá.
Thực tế nhiều cơ quan hiện còn cồng kềnh, chồng chéo nhiệm vụ, khó xác định bộ máy đã tinh gọn đến mức độ nào. Đại biểu đề xuất các tiêu chí cụ thể, ví dụ như giảm tỷ lệ cán bộ, công chức so với dân số, tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức điện tử…
Cũng theo đại biểu Bình, Dự thảo Luật có nêu nguyên tắc công khai minh bạch chịu sự kiểm tra giám sát của nhân dân nhưng lại không có quy định cơ chế để thực hiện.
Đại biểu đề xuất bổ sung quy định về cơ chế giải trình như công khai báo cáo hàng năm về hoạt động điều hành của Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tăng cường giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của Chính phủ thông qua các phiên chất vấn, phản biện chính sách
Về vai trò của Thủ tướng trong việc kiểm soát hoạt động của các Bộ trưởng, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, khoản 5, điều 6 của Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, tuy nhiên Dự thảo Luật chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với những Bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với Bộ trưởng, chẳng hạn nếu Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của Bộ trưởng đó.
Thực hiện phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm ”
Dưới góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật tổ chức chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, hai dự án luật được sửa đổi trong bối cảnh rất đặc biệt, rất cấp thiết, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra đảm bảo nền hành chính hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu cải cách khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
"Dự thảo luật này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những về mặt chính trị, pháp lý mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, trong thời điểm rất quan trọng của đất nước. Vì thế, thiết kế luật phải tạo cơ chế chủ động, linh hoạt cho nền hành chính Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động của nền hành chính từ Trung ương đến địa phương", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Luật tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ và chính quyền địa phương. Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tương tự, đối với chính quyền địa phương cũng có sự thiết kế rành mạch giữa HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp.
Thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, với tư cách là thành viên Chính phủ, luật quy định rất rành mạch để không có sự chồng lấn, giao thoa, xác định rõ trách nhiệm để không đẩy lên Chính phủ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, nội dung cốt lõi của hai Dự thảo Luật là vấn đề phân cấp, phân quyền và ủy quyền, trong đó, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.
Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Trong thời gian sửa đổi luật, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, để xử lý những vướng mắc phát sinh, khơi thông nguồn lực và tháo gỡ điểm nghẽn cho việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, cũng như vấn đề có liên quan nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp.
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số 20