Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ 14 của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã đề ra.
Quốc hội sẽ làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12 đến 19/2 để xem xét, quyết định những nội dung sau:
Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn";
Giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo hiến định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình như: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên;
Chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TPHCM đến năm 2035;
Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...
Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Năm 2025: GDP đạt trên 500 tỷ USD
Ngay sau phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cụ thể là đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 12 chỉ tiêu vượt); nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2025 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn, có thể tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức cũng có những thời cơ mới xuất hiện. Do đó, Việt Nam cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài.
Song, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Với kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, các chỉ tiêu tương ứng tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản (tăng 3,9% trở lên).
Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7 - 1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Trên cơ sở đó, quy mô GDP năm 2025 phải đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD. Và các động lực tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở đề án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Trường hợp cần thiết, Quốc hội cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Trình bày Báo cáo thẩm tra đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, báo cáo của Chính phủ.
Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Về chỉ tiêu CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Thanh lưu ý lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.
Số liệu cho thấy, mặc dù lạm phát bình quân năm 2024 chỉ ở mức 3,63% nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khá cao như: Lương thực tăng 12,2%, dịch vụ y tế 9%, dịch vụ giáo dục 5,7%...
Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của một số mặt hàng thiết yếu. Do đó, trong công tác điều hành, Chính phủ cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và có lộ trình thị trường với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy;
Không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội; có cơ chế, chính sách thực chất, hiệu quả bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số 19