Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rủi ro từ du lịch mạo hiểm tự phát

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Được xem là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam, du lịch mạo hiểm đang tạo nên sức hấp dẫn, khác biệt, thu hút nhiều khách tham gia, đặc biệt là giới trẻ và người nước ngoài.

Tuy nhiên, loại hình này cần phải được quản lý chặt chẽ, tổ chức chuyên nghiệp để hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn cho du khách.

Rằng hay thì thật là hay….

Với hệ thống rừng núi, hang động, sông, suối, thác ghềnh phong phú, Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch mạo hiểm. Nhiều năm nay, loại hình này thu hút lượng lớn du khách, đặc biệt là những nhóm khách thích trải nghiệm cảm giác mạnh.

huyen3.jpg

Các tour leo núi, trekking (đi bộ đường dài), khám phá hang động… trở thành sản phẩm du lịch nổi bật ở nhiều địa phương như: Quảng Bình, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Lâm Đồng...

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, du lịch mạo hiểm được ưa chuộng trên thế giới, mang lại lợi nhuận lớn. Tại Việt Nam, du lịch mạo hiểm đã góp phần tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch.

Rất nhiều tour được du khách trong và ngoài nước săn đón. Điển hình như tour khám phá hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình), du khách phải trả khoảng 70 triệu đồng và đặt chỗ trước nhiều tháng.

Lý do khiến rất nhiều người chuộng loại hình du lịch mạo hiểm chính là sự kết hợp giữa thỏa mãn nhu cầu khám phá giới hạn bản thân, thử thách chính mình và trải nghiệm văn hóa bản địa, chinh phục thiên nhiên.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm một công ty chuyên về tổ chúc tour du lịch mạo hiểm, khám phá mạo hiểm là rất khó, nếu có, chi phí tour cũng khá cao. Chính vì điều này, nhiều người lựa chọn lên mạng tìm kiếm các tour du lịch mạo hiểm tự phát do một nhóm người hay một cá nhân đứng ra tổ chức.

Chị Đào Trần Huyền (Hà Nội) là một người đam mê du lịch mạo hiểm. Dù công việc của chị khá bận rộn nhưng thi thoảng chị tạm gác lại những bộn bề công việc để sắp xếp thời gian tham gia các tour mạo hiểm cùng những người bạn trên các hội nhóm.

Chị Huyền cho hay: “Bây giờ hội nhóm đam mê du lịch mạo hiểm rất nhiều, chỉ cần lên mạng là hoàn toàn có thể tìm được. Nếu như không có bạn bè đi cùng, họ sẽ ghép mình cùng với các thành viên khác”.

Cũng là người đam mê du lịch mạo hiểm, anh Nguyễn Thế Dũng (Đông Anh, Hà Nội) có một nhóm bạn, thỉnh thoảng nhóm tự tổ chức các tour du lịch mạo hiểm. “Chúng tôi khá đông, mỗi người một ngành nghề nhưng đều có chung đam mê du lịch mạo hiểm. Thi thoảng nhóm tổ chức tour, nếu ai sắp xếp được công việc thì cùng xách ba lô lên đường”, anh Dũng kể.

Nhóm “Trải nghiệm Tây Bắc”, thu hút hàng chục nghìn thành viên, khá nổi tiếng trong giới du lịch mạo hiểm. Tại đây rất nhiều người đăng tải các tour trekking, phượt mạo hiểm những cung đường nổi tiếng ở Tây Bắc như, khám phá Bạch Mộc Lương Tử (nằm giữa xã Sin Suối Hồ, Lai Châu và xã Sàng Ma Sáo, Lào Cai), chinh phục Nam Kang To Tao (bản Thào A, Lai Châu), săn mây ở Tà Chì Nhù (Trạm Tấu, Yên Bái)...

Tại đây, những người đứng ra tổ chức chuyến đi đều đưa ra giá cụ thể, những tư vấn cho khách, đồng thời không quên dặn dò người du lịch phải có những kỹ năng cơ bản về lái xe, leo núi và bơi...

Theo anh Dương Minh Tuấn (hướng dẫn viên du lịch), du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch đang được nhiều người yêu thích và tìm kiếm, nhất là giới trẻ.

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro không mong muốn trong chuyến đi, du khách cần tìm hiểu kỹ về địa điểm và hoạt động mà bạn sẽ tham gia, chọn công ty hoặc nhà cung cấp dịch vụ du lịch uy tín và có kinh nghiệm. Cùng với đó, chuẩn bị trang thiết bị và phương tiện an toàn. Luôn tuân thủ hướng dẫn và chỉ dẫn của người hướng dẫn hoặc nhân viên địa phương. 

Đặc biệt, không nên đi đơn độc và luôn đi cùng nhóm hoặc có công ty tốt để giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp. Giữ liên lạc với người thân hoặc đại diện của công ty du lịch, đừng quá tự tin mà luôn giữ một thái độ cảnh giác.

huyen1.jpg
Du lịch mạo hiểm đang ngày càng được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là giới trẻ thích khám phá.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Là người tham gia khá nhiều tour mạo hiểm, chị Hoàng Thị Dung cho biết, trong hành trình khám phá tour mạo hiểm rất khó để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

"Bởi đặc tính địa hình, thời tiết ở những nơi khám phá thường phức tạp nên dù có sử dụng đồ chuyên dụng vẫn có thể bị trơn trượt. Có lần thành viên đoàn chúng tôi bị trượt chân ngã, chỉ một chút xíu nữa là rơi xuống vực. Tôi là bác sĩ nên đã giúp thành viên sơ cứu kịp thời”, chị Dung nói.

Việc các tour du lịch mạo hiểm tự phát ngày càng có xu hướng phát triển đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc. Thực tế, thời gian vừa qua liên tục xảy ra các vụ việc đau lòng đối với những du khách đi tour du lịch mạo hiểm không được cấp phép.

Nhiều người dân, du khách sau khi xem review trên mạng hoặc có một cá nhân đứng ra dẫn nhóm thì tự thực hiện các tour leo núi, đi bộ xuyên rừng, cắm trại... 

Trong khi đó, các cá nhân này không có kỹ năng hướng dẫn du lịch, bảo đảm an toàn và nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Năm ngoái, một nhóm bạn trẻ gồm 7 người từ TP Nha Trang đến thác Edu (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) tắm thác, 1 người bị chết đuối. 

Trước đó, một nhóm khách du lịch từ TPHCM đã thuê người dân ở Khánh Sơn dẫn đường, mang vác hành lý để trekking ở núi Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) và bị mắc kẹt trong rừng do gặp phải mưa lũ kéo dài, khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng giải cứu. 

Hồi đầu năm 2024, hai du khách đến từ TPHCM leo núi Cô Tiên (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vào ban đêm thì bị kiệt sức không thể xuống núi được, phải nhờ lực lượng cứu hộ đưa xuống núi.

Đã có nạn nhân tử vong trong quá trình đi du lịch mạo hiểm tại suối Xanh trong Tiểu khu 1209 của Vườn quốc gia Chư Yang Sin (thuộc xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, Đắk Lắk).

Tại Lâm Đồng cũng đã từng xảy ra nhân viên lái xe của Khu du lịch làng Cù Lần (Lâm Đồng) chở khách du lịch trải nghiệm dọc suối, bất ngờ gặp lũ quét.

Khi xảy ra tai nạn, lái xe và một nam du khách thoát ra ngoài, bị thương. Tuy nhiên, nam du khách đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Lái xe người Việt Nam bị thương nhẹ, 3 du khách còn lại bị lũ cuốn, tử vong.

Trước những rủi ro tiềm ẩn của loại hình du lịch này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, du lịch mạo hiểm là thế mạnh nhưng cần phải có cơ chế quản lý, kiểm soát, tổ chức chặt chẽ, bài bản để trở thành sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, có sức hấp dẫn riêng biệt.

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị lữ hành đã khai thác thành công sản phẩm du lịch mạo hiểm. Chẳng hạn Công ty lữ hành Pu Lai Châu chuyên khai thác sản phẩm leo núi, chinh phục các đỉnh Pu Ta Leng, Pu Si Lung, Tả Liên Sơn, Bạch Mộc Lương Tử…

Công ty lữ hành S-Travel tổ chức nhiều tour, leo núi trekking, chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, Tả Liên, Fansipan (Lào Cai). Công ty du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure chuyên dòng sản phẩm du lịch mạo hiểm cao cấp khám phá hệ thống hang Tú Làn, Sơn Đoòng, Hang Tiên, Hang Én (Quảng Bình)…

Theo Giám đốc Công ty lữ hành Pu Lai Châu Hoàng Quốc Việt, ngoài việc kiểm tra sức khỏe và tập huấn kỹ năng cho du khách, doanh nghiệp lữ hành còn phải thường xuyên tổ chức lớp tập huấn cho hướng dẫn viên, người dẫn đoàn (porter) kỹ năng xử lý chấn thương, ổn định tâm lý cho khách. “Khâu tổ chức thường được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.

Đồng thời, các đơn vị khai thác tour luôn có bảo hiểm cho khách, tuân thủ nghiêm quy định quản lý về vệ sinh, môi trường của địa phương”, ông Hoàng Quốc Việt chia sẻ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để du lịch mạo hiểm trở nên chuyên nghiệp, cơ quan quản lý cần ban hành các quy định pháp lý chung về du lịch mạo hiểm.

Chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, đồng thời ban hành những quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ, có quy định riêng với những đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm và cả những quy định dành cho du khách.

“Các hội nhóm đều hoạt động dựa trên kinh nghiệm cá nhân hoặc các thành viên chứ không phải đơn vị tổ chức tour chuyên nghiệp nên không có hợp đồng tour hoặc bảo hiểm du lịch. Nếu không may gặp sự cố nguy hại đến sức khỏe, khách sẽ phải tự chịu trách nhiệm.

Do vậy, khi tham gia du lịch mạo hiểm, du khách nên lựa chọn dịch vụ của những đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm, không nên tự ý tổ chức”, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo.

Du lịch mạo hiểm được hiểu theo hai hình thức: Một là du lịch có tính chất mạo hiểm (soft adventures) gồm các hoạt động như đi bộ, leo núi (trekking), dã ngoại, đi xe đạp, mô tô địa hình trên núi hiểm trở...;

Hai là du lịch mạo hiểm (hard adventures) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, rủi ro cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng như thám hiểm hang động, lặn, lướt sóng, đu dây mạo hiểm, nhảy dù...

 

Vân Khánh

  Báo Lao động Xã hội số 57