Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Rút ngắn khoảng cách với họ hàng ngày Tết

Trần Huyền
Trần Huyền

Tết thật sự là khi chúng ta được ở bên những người thân yêu, gia đình là nơi chúng ta sum vầy để yêu thương, do đó nhiều người rất háo hức và trông chờ giây phút ấy.

Những ngày cuối năm, dù ở ngành nghề nào, ai nấy đều hối hả, bận rộn với công việc hơn so với những ngày thường. Bởi có lẽ ai cũng cảm nhận được năm cũ sắp qua đi, ngày Tết đang đến rất gần và nếu không tranh thủ sẽ không thể hoàn thành công việc như kế hoạch, để kịp chuẩn bị đón Tết cùng gia đình.

têt.jpg
Theo truyền thống, Tết là thời điểm gia đình, họ hàng sum vầy.

Tết thật sự là khi chúng ta được ở bên những người thân yêu, gia đình là nơi chúng ta sum vầy để yêu thương, do đó nhiều người rất háo hức và trông chờ giây phút ấy. 

Thạc sĩ Phan Anh Tú - Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM chia sẻ: “Cha mẹ sẽ rất vui mừng khi thấy các con của mình trở về sum họp đông đủ trong những ngày Tết. Tết thật sự được gọi là Tết khi cha mẹ được thấy những đứa con của mình trở về với gia đình”.

Đến tuổi trưởng thành vì công việc mưu sinh mà nhiều người buộc phải rời xa gia đình, người thân và những thứ thân thuộc. Tuy nhiên dù có đi đâu, nỗi nhớ nhà và những thứ gắn liền với gia đình đều in sâu trong ký ức.

Đây chính là động lực để chúng ta muốn được sum vầy, và ngày Tết chính là thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện mong ước này.

14.png

Gắn kết gia đình khi ăn Tết xa nhà

Bao ngày vất vả mưu sinh hay đi làm ăn xa ai cũng muốn được về cùng với gia đình trong những ngày xuân. Tuy nhiên việc không thu xếp được công việc, đường sá xa xôi, sức khỏe hoặc kinh tế không cho phép nên có những người dù rất muốn nhưng không thể về quê ăn Tết cùng gia đình.

Ăn Tết xa nhà là điều không ai muốn, nhiều người khá bâng khuâng thậm chí cảm thấy có lỗi bởi bản thân chưa làm tròn trách nhiệm với người thương yêu. 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu - Chuyên gia Tâm lý cho biết, ở xa hay gần chỉ khi chúng ta thật sự muốn được gắn kết, chia sẻ với người thân đều sẽ có cách thực hiện được. Bởi xã hội đang ngày càng phát triển với những ứng dụng, thiết bị hỗ trợ, chúng ta dễ dàng kết nối với gia đình thông qua tin nhắn hay những cuộc gọi video call.

Tuy không thể so sánh với việc gặp nhau ngoài đời thật, nhưng nhiều người vẫn cảm nhận được tình yêu của người thân dành cho mình thông qua các thiết bị di động. Dù đón Tết xa nhà nhưng các thành viên trong gia đình vẫn được kết nối như những buổi đoàn viên.

4.png

Rút ngắn khoảng cách với họ hàng ngày Tết

Tết là dịp để mọi người trong đó có người trẻ quây quần với gia đình người thân và họ hàng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp vì trong năm chỉ gặp nhau vài lần, nên nhiều người cảm thấy có khoảng cách với họ hàng.

Trên thực tế có rất nhiều lý do khiến người trẻ ít tương tác gặp gỡ họ hàng, người trẻ thường bận bịu với công việc đi làm thêm, đi học xa nhà không có thời gian để trò chuyện, giao tiếp với họ hàng thường xuyên.

Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc là nét văn hóa đẹp trong văn hóa Việt, trong thực tế chúng ta không chỉ sống trong mối quan hệ với cha mẹ mà còn chịu sức ảnh hưởng rất nhiều từ các mối quan hệ trong dòng họ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chuyên gia Tâm lý cho biết: “Để có những mối quan hệ gắn kết giữa họ hàng, các bạn trẻ cũng như các thế hệ họ hàng phải cùng nhau học hỏi, gặp gỡ và thay đổi cùng nhau thích ứng hơn. Chúng ta cần khéo léo trong cách ứng xử với mọi người xung quanh, tránh hỏi những câu tế nhị gây mất thiện cảm và sự khó chịu cho người đối diện, những câu hỏi riêng tư như thế sẽ làm cho khoảng cách giữa các thế hệ trở nên xa hơn”.

Văn hóa dòng họ là nền tảng của văn hóa Việt Nam, vào những ngày Tết đây là dịp để tôn vinh và giáo dục nét đẹp văn hóa. Nếu các thế hệ trong dòng họ có sự thấu hiểu đối với nhau, có mối quan hệ tốt và bền chặt thì ngày Tết chính là khoảng thời gian vui vẻ và hạnh phúc, tạo nên một cái Tết sum vầy và đầm ấm.    

Pha Lê