Như vậy, khép lại 6 tháng đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt, bất ổn địa chính trị gia tăng, lạm phát giảm chậm buộc hầu hết các nước tiếp tục thực hiện thắt chặt tiền tệ song kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Đây là những tiền đề để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5%.
Những tín hiệu tích cực
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế xã hội (KT - XH) nước ta trong quý II và 6 tháng đầu năm thể hiện rõ sự phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, tăng 6,93% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (tăng 3,84%), vượt cận trên kịch bản đề ra.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6%; an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Một số ngành dịch vụ thị trường như: Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng cao hơn thời kỳ 2018 - 2019 do được hỗ trợ từ nhu cầu di chuyển tăng mạnh trong những tháng du lịch cao điểm.
Tốc độ tăng trưởng quý II, 6 tháng lần lượt về dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 11,26% và 9,94%; vận tải kho bãi đạt 11,37% và 11,02%. Tích lũy tài sản 6 tháng đầu năm tăng 6,72%, chỉ thấp hơn mức tăng 7,4% năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng 2,87% và 3,52% năm 2020, 2022 và mức tăng khiêm tốn 0,92% năm 2023, trong đó, tích lũy tài sản cố định tăng 6,53%.
Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng sôi động trong quý II với mức tăng 16,39%, tính chung 6 tháng tăng trưởng 16,89%. Với kết quả này, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng trong quý II và 6 tháng đầu năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một trong những nguyên nhân đóng góp vào mức tăng ấn tượng của quý II cũng như 6 tháng đầu năm (theo đánh giá của CIEM) là do các cấu phần của tổng cầu đều tăng trưởng tương đối tích cực.
Trong đó, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng GDP; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.
“Đáng chú ý từ năm 2011 đến nay, năng suất lao động (NSLĐ) tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 (theo Tổng cục Thống kê) - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.
Tăng NSLĐ đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quý I, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023”, ông Dương cho hay.
Động lực từ các chính sách tài khóa
Để đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đẩu năm, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp có sức đẩy lớn từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2024 về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng cuối năm; Nghị định 64/2024 về gia hạn các sắc thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024... Các chính sách ban hành kịp thời giúp phục hồi, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về các yếu tố đóng góp tích cực vào tăng trưởng trong những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Thứ nhất, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ ngày 1/7 sẽ giúp người dân tăng các khoản chi tiêu, tạo dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Thứ hai, các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, gia hạn thời hạn nộp thuế… sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Thứ ba, sự hồi phục của ngành công nghiệp là nhân tố quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng mà còn thúc đẩy gia tăng xuất nhập khẩu năm 2024.
Những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp, sự “ấm dần” của thị trường quốc tế sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp từng bước khôi phục và phát triển. Thứ tư, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương tiếp túc nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tác động lan tỏa đến các ngành xây dựng, giao thông - vận tải, vật liệu xây dựng… từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá về mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% vừa được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18/6/2024, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm cần đảm bảo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát.
“Với phương châm chỉ đạo “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, bản lĩnh, chủ động, nêu cao tinh thần quyết tâm, cùng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đưa ra tại Nghị quyết 93, tôi tin rằng với sự chung tay, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, mục tiêu tăng trưởng cận trên (6,5%) có cơ sở để đạt được”, bà Hạnh khẳng định.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 86