Với một trận thắng và một set thắng ở lượt trận thứ 2 trước khi phải dừng bước ngay vòng loại trước tay vợt số 1 của Ấn Độ, các VĐV khác của Việt Nam đều thi đấu không thành công tại Olympic 2024 tại Paris.

Có lẽ cho đến giờ, thể thao Việt Nam không còn hy vọng đoạt huy chương tại Thế vận hội. Và cũng khó có thể đòi hỏi các VĐV của chúng ta tạo được bất ngờ khi đẳng cấp thấp hơn hẳn mặt bằng chung và thua rất xa trình độ các VĐV hàng đầu thế giới đang góp mặt tại Paris.
Thật ra trước khi đoàn thể thao Việt Nam xuất quân sang Paris dự Thế vận hội, không nhiều người mơ mộng về những tấm huy chương danh giá - ngay cả khi một vài cái tên được nhắc tới cùng kỳ vọng sẽ tạo bất ngờ như bắn súng và cử tạ.
Còn nhớ trong quá khứ, đây cũng chính là những bộ môn mà thế hệ VĐV Việt Nam trước đây từng giành được các tấm huy chương lịch sử tại Thế vận hội.
Thế nhưng sau thất bại của nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, đoàn thể thao Việt Nam hầu như không còn hy vọng tranh chấp huy chương ở Olympic Paris 2024, cho dù khi ấy mới khoảng một nửa số VĐV Việt Nam "xuất trận".
Trịnh Văn Vinh ở bộ môn cử tạ từng được coi là niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam. Nhưng sau những thành công tại đấu trường châu lục, VĐV này đã sa sút nghiêm trọng do án cấm thi đấu dài hạn. Trong khi đó, không có VĐV trẻ nào được đào tạo để thay thế đàn anh.
Nguyễn Huy Hoàng là kình ngư "vô đối" trong nước nhưng ở Olympic thì thành tích của anh cách rất xa mức sàn để có thể vượt qua vòng loại.
Một số nhà bình luận thể thao cho rằng, họ không bất ngờ với thành tích nghèo nàn của các VĐV Việt Nam khi bước ra "biển lớn" Olympic. Bởi suốt những năm qua, việc đầu tư cho các môn thể thao Olympic của ngành thể dục thể thao từ trung ương tới địa phương là khá hạn chế - cả về tài chính, cơ sở vật chất lẫn nhân lực.
Không chỉ thiếu đầu tư về trang thiết bị, cơ sở tập luyện mà đến cả việc tuyển chọn tài năng để bồi dưỡng, nâng cấp cho đội ngũ huấn luyện viên cho tới đầu tư vào các bộ giáo trình, tài liệu để đào tạo VĐV thành tích cao đạt đẳng cấp quốc tế... chúng ta đều rất thiếu và yếu.
Một nền tảng như vậy không thể đòi hỏi thành tích của các VĐV khi bước ra sân chơi thế giới và nếu có cũng chỉ là "ăn may", không có tính bền vững.
Với việc không thể góp mặt trong bảng tổng sắp huy chương ở liên tiếp 2 kỳ Thế vận hội, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải có một "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực thể thao với những thay đổi mạnh mẽ, căn bản từ cách tư duy cho tới hành động, đặc biệt là yếu tố con người - từ hệ thống quản lý, điều hành cho tới đội ngũ chuyên môn và lực lượng VĐV ở các độ tuổi phải được đầu tư bài bản, căn cơ.
Chỉ vậy mới mong thể thao Việt Nam có được vị trí xứng tầm trên bản đồ thể thao thế giới.
Bảo Khánh
Báo Lao động và Xã hội số 93