Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 50).
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nhiều trường hợp được xử lý nợ khó đòi, trong đó có việc xóa nợ vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, Quyết định 50 đã quy định các nguyên nhân rủi ro trong thực tế, giúp người dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ được hỗ trợ kịp thời khi có rủi ro khách quan, bất khả kháng.
Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, hiện vẫn còn một số nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro cho người vay vốn nhưng chưa được quy định tại Quyết định 50.
Một là, khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, bị rủi ro khách quan nhưng không thực hiện xử lý rủi ro kịp thời.
Hai là, khách hàng vay vốn bỏ đi khỏi địa phương không có thông tin gì từ 2 năm trở lên hoặc bị tuyên án tù giam từ 12 tháng trở lên không còn tài sản để trả nợ.
Ba là, khách hàng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Bốn là, khách hàng trong quá trình vay vốn có thành viên trong hộ gia đình mắc bệnh hiểm nghèo dẫn tới kiệt quệ về kinh tế và tài sản, không có khả năng trả nợ;...
Do đó, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành một số quyết định cá biệt để chỉ đạo và xử lý riêng cho các khoản nợ bị rủi ro chưa có cơ chế nêu trên.
Dự kiến khi Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 50 được ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiến hành xử lý đối với 36.201 món vay tương đương khoảng 348 tỷ đồng (gốc là 270 tỷ đồng và lãi là 78 tỷ đồng) nợ xấu đã phát sinh trong thời gian qua nhưng chưa có cơ chế để xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, trong đó chỉ dự kiến xóa nợ đối với 20.535 món vay với số tiền là 125 tỷ đồng (gốc là 95 tỷ đồng và lãi là 30 tỷ đồng).
Như vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, với số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/6/2019 là 1.337 tỷ đồng thì việc xem xét sử dụng để xóa khoảng 95 tỷ đồng nợ gốc về cơ bản là không ảnh hưởng nhiều đến chi phí hoạt động của ngân hàng và đã được ngân sách nhà nước đảm bảo chung trong mức phí quản lý khoán hàng năm.