Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thích nghi với nền kinh tế số: Thách thức từ thương mại điện tử

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 vượt mốc 25 tỷ USD cho thấy, thương mại điện tử là thành tựu quan trọng của nền kinh tế số.

Tuy nhiên, thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, khi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên các nền tảng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và tình trạng thất thu thuế đối với các hoạt động mua, bán online.

Tràn lan hàng nhái, hàng giả trên "chợ mạng"

Thích nghi với nền kinh tế số: Thách thức từ thương mại điện tử - 1
Hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bán tràn lan trên không gian mạng.

Mới đây, Công ty TNHH mỹ phẩm H.A phản ánh đến cơ quan báo chí về việc có nhiều gian hàng trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok shop… bán hàng giả mạo sản phẩm của công ty. Trong đó có 2 sản phẩm độc quyền là tinh dầu xua đuổi chuột và tinh dầu xua đuổi thằn lằn Asa Ratpel.

Ông Bùi Ngọc Hùng, Phó Giám đốc thường trực Công ty TNHH mỹ phẩm H.A cho hay, tính đến tháng 12/2024, qua kiểm tra, phát hiện 14 cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử bán hàng giả sản phẩm của công ty.

Công ty đã liên hệ trực tiếp đến một số cửa hàng, yêu cầu chấm dứt bán hàng giả, hàng nhái, nhưng không được hợp tác, thậm chí còn "chạy quảng cáo" sản phẩm giả mạo như thách thức pháp luật.

Tương tự tình trạng của mỹ phẩm H.A, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cho biết, Nón Sơn giả được bán rất nhiều trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Các đối tượng giả thương hiệu bằng cách dùng app của Nón Sơn, dùng sản phẩm thật quảng cáo nhưng khi giao hàng là hàng nhái.

Theo ông Tý, có tình trạng người tiêu dùng bức xúc vì mua hàng giả giá cao nên đến tận cửa hàng Nón Sơn khiếu nại. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Khảo sát trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những bài giới thiệu bán hàng có thương hiệu như: Adidas, Gucci, LV, Hermes, Chanel, Boss...

Tại đó, người bán hàng sẽ cung cấp sản phẩm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dưới những cái tên mỹ miều như hàng xuất dư, hàng Superfake, hàng 1:1, hàng Like Auth, nhằm mô tả sản phẩm có chất lượng tương đương hàng chính hãng.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, 8 tháng năm 2024, Cục đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan công an. Số vụ vi phạm trong thương mại điện tử bị xử lý tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, phổ biến nhất vẫn là vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa.

Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.

Các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream. Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết: “Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). 

Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua số lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng”.

Đủ các chiêu trò trốn thuế 

Ngoài những thách thức về hàng giả, hàng nhái, tình trạng gian lận, trốn thuế diễn biến phức tạp đối với các hoạt động buôn bán online. Báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử do Công ty YouNet ECI công bố cho thấy, năm 2024 người dùng mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,8 tỷ USD, tăng trưởng 40%. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này là những hành vi gian lận thuế, trốn thuế.

Theo các cơ quan thuế, tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không khai báo, giấu bớt doanh thu diễn ra ngày càng phức tạp.

Điển hình như chiêu trò ngay sau thời điểm livestream, người bán nhanh chóng xóa hoặc tạm ẩn phần livestream trực tiếp ra khỏi trang Facebook, đồng thời đăng tải những nội dung không liên quan tới bán hàng. Thậm chí, một số người bán hàng hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh online còn chia nhỏ giao dịch để tránh phải kê khai thuế. Thay vì ghi nhận một giao dịch lớn, các hộ kinh doanh chia thành nhiều giao dịch nhỏ, dưới mức chịu thuế. Điều này giúp họ dễ dàng ẩn doanh thu thực tế, qua mặt cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, việc lập nhiều tài khoản ngân hàng cũng là cách làm phổ biến. Bằng cách này, họ phân tán dòng tiền vào nhiều tài khoản khác nhau, khiến việc truy vết trở nên khó khăn.

Các cá nhân livestream bán hàng trên mạng xã hội đang là một trong những đối tượng khó quản lý thuế nhất. Sự linh hoạt, không ràng buộc bởi các quy định kinh doanh truyền thống khiến việc xác định danh tính, thu nhập và các giao dịch của họ trở nên vô cùng khó khăn.

Việc không đăng ký kinh doanh, địa chỉ kinh doanh không cố định, thậm chí là việc sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau với thông tin không trùng khớp đã tạo ra nhiều rào cản trong công tác quản lý thuế.

Thống kê của ngành thuế cho thấy, hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, với tổng giao dịch 75.000 tỷ đồng.

Năm 2024, tổng thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử đạt 116.000 tỷ đồng, nhưng hộ và cá nhân kinh doanh online chỉ đóng góp khoảng 2.500 tỷ đồng. Tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử diễn ra tinh vi, phức tạp.

Năm 2024, riêng cơ quan thuế Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị phối hợp xác minh điều tra gần 1.900 người nộp thuế; đồng thời nhận được gần 800 đề nghị của cơ quan công an về việc cung cấp hồ sơ liên quan hơn 2.000 lượt người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm.

Cuối năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ðỗ Mạnh Cường (38 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi trốn thuế.

Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… để bán điện thoại, phụ kiện. Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2019 đến khi bị phát hiện, doanh thu bán hàng là hơn 160 tỷ đồng, nhưng Cường che giấu doanh thu để trốn thuế khoảng 2,5 tỷ đồng.

Phải nói rằng chưa bao giờ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, làm thay đổi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.

Tuy nhiên, để giảm thiểu những thách thức từ nền kinh tế số, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như nhà cung cấp, các bên tham gia, vừa phải đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà Việt Nam đã ký kết song phương, đa phương.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, 8 tháng năm 2024, Cục đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan công an. Số vụ vi phạm trong thương mại điện tử bị xử lý tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Thống kê của ngành thuế cho thấy, hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, với tổng giao dịch 75.000 tỷ đồng. Năm 2024, tổng thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử đạt 116.000 tỷ đồng, nhưng hộ và cá nhân kinh doanh online chỉ đóng góp khoảng 2.500 tỷ đồng. Tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử diễn ra tinh vi, phức tạp.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 24

Tin liên quan
Thích nghi với nền kinh tế số

Thích nghi với nền kinh tế số

(LĐXH) - Nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt đó là các giao dịch điện tử trên internet.