Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Thương mại điện tử "hốt" hết người bán, mặt bằng cho thuê “ế ẩm”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang online khiến thị trường mặt bằng cho thuê ế ẩm ngay cả những tháng cuối năm, khi nhu cầu mua sắm ngày lễ, tết tăng cao.

Thị trường mặt bằng cho thuê ảm đạm diễn ra với cả những tuyến phố trung tâm, có vị trí đắc địa.

Xu hướng trả lại mặt bằng gia tăng

Sự lên ngôi của thương mại điện tử khiến cho nhiều nơi vốn được xem là “địa điểm vàng trong kinh doanh” trở nên ế ẩm. Nhiều tuyến phố ở Hà Nội trước đây buôn bán sầm uất thì nay dày đặc biển quảng cáo cho thuê cửa hàng.

Điển hình các tuyến phố Nguyễn Thái Học, Chùa Bộc, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng… cách đây vài năm được xem là địa điểm lý tưởng kinh doanh quần áo, giờ im ắng, biển “cho thuê” giăng khắp phố.

Thương mại điện tử "hốt" hết người bán, mặt bằng cho thuê “ế ẩm” - 1
Những tuyến phố ở vị trí đắc địa cũng vẫn khó cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Trong gần 2 năm thuê cửa hàng trên phố Chùa Bộc, chị Phương Trang đã nhiều lần có ý định bỏ cuộc kinh doanh, nhưng do tiếc mặt bằng nên cố gắng xoay xở bằng cách bán thêm nhiều mặt hàng từ quần áo, giày dép đến phụ kiện thời trang song thu vẫn không đủ chi.

Vì vậy, mặc dù đã cận kề Tết Nguyên đán nhưng chị vẫn phải đóng cửa hàng, trả mặt bằng. “Đây là việc làm bất đắc dĩ, không ai mong muốn nhưng nếu kéo dài đồng nghĩa với việc tài chính bị âm”, chị Trang buồn rầu nói.

Còn anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ cửa hàng sửa chữa và bán phụ kiện điện thoại nhỏ trên phố Bà Triệu vừa phải trả mặt bằng chỉ sau 3 tháng kinh doanh.

Anh cho biết, do khu vực này có nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn, lượng khách quen đông nên những cửa hàng nhỏ, chưa có tên tuổi khó hút khách trong khi giá thuê lại cao. Vì vậy anh trả lại mặt bằng và tìm vị trí khác có giá thuê rẻ hơn.

Chị Mai Lan, chủ cửa hàng trà sữa trên phố Huế cho biết, đa số khách hàng, nhất là thế hệ gen Z đều đặt hàng online qua các ứng dụng như Shopee, GrabFood… chứ ít đến mua trực tiếp tại cửa hàng.

“Giờ tôi tính đầu tư vài chục triệu chạy quảng cáo, thuê nhân viên chăm sóc khách hàng để hoạt động trên sàn thương mại điện tử sẽ hiệu quả hơn thuê cửa hàng”, chị Mai Lan cho biết.

Nằm ngay tuyến phố Hàng Bài, hàng ngày chứng kiến du khách nước ngoài ra vào tấp nập các khách sạn, bà Huyền Trang càng sốt ruột khi nhiều tháng nay chưa thể cho thuê căn nhà 2 tầng có diện tích gần 90m2 của gia đình. Bởi nó là nguồn thu nhập lớn khi mỗi tháng bà thu về 80 triệu đồng tiền cho thuê nhà.

Chia sẻ về việc khó khăn cho thuê mặt bằng, bà Trang cho biết: “Hậu Covid-19, kinh tế suy giảm là nguyên nhân chính khiến nhiều người không còn đủ lực để tiếp tục thuê cửa hàng.

Khách thuê nhà tôi trước đây để bán quần áo nhưng sau dịch đã trả lại để thuê khu vực có giá thấp hơn. Thời gian tới, tôi dự tính chia nhỏ mặt bằng (thuê theo tầng) với giá thuê thấp nhằm phù hợp yêu cầu khách”. 

Người tiêu dùng thay đổi

Anh Nguyễn Tuấn Minh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gốm sứ Nhật cho biết: “Trước đây tôi thuê 3 cửa hàng, mỗi tháng chi gần 100 triệu đồng. Nhưng 2 năm nay tôi thu gọn về một cửa hàng, đẩy mạnh bán hàng qua livestream và thương mại điện tử.

Hiện tỷ lệ khách đến cửa hàng trải nghiệm sản phẩm chỉ bằng 10% so với trước, 90% còn lại chuyển sang online. Vì vậy, cửa hàng với vị trí đẹp đã trở nên lãng phí, trong khi doanh số ngày càng giảm. Đầu tư vào quảng cáo, truyền thông hiệu quả hơn nhiều”.

Báo cáo thị trường CBRE Việt Nam cho biết, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm Hà Nội tại quý III/2024 đạt 172,7 USD/m2/tháng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,2% so với quý trước.

Giá thuê tiếp tục xu hướng tăng khi tỷ lệ trống tại khu vực này vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ 1,7%. Trong khi đó, tại các khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tăng 2,1%, lên mức 12,1% so với quý trước do có nguồn cung mới và một số khách thuê trả mặt bằng.

Với tình hình thị trường hiện nay, bà Hoàng Nguyệt Minh, chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội nhận định, các chủ sở hữu, đặc biệt là nhà phố cho thuê cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới, đưa giá thuê nhà mặt phố tại Hà Nội về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng giá gây khó cho doanh nghiệp, hộ dân có nhu cầu thuê kinh doanh...

Trong chia sẻ mới đây, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar WorldPanel Việt Nam cho biết, thu nhập, việc làm và chi phí gia tăng đã ảnh hưởng đến tất cả nhóm thu nhập, kể cả gia đình có thu nhập cao.

Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn theo tiêu chí ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu. 66% người tiêu dùng tham gia khảo sát của Kantar cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu giải trí bên ngoài, tiếp đến là giảm ăn ngoài và sắm thiết bị gia dụng. 

Cùng với việc thắt chặt chi tiêu, phần đông người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm online, đặc biệt mua trên sàn thương mại điện tử. Lý do, mặt hàng được bán online đa dạng, người mua có nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều sàn thương mại điện tử còn liên tục trợ giá và khuyến mãi đặc biệt vô cùng hấp dẫn nên mua online rất rẻ.

Mặc dù việc kinh doanh offline đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2023 ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường vượt mốc 25 tỷ USD.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 152