Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thổi chung ống đo nồng độ cồn không lây bệnh đường hô hấp

Quang Dương
Quang Dương

Nhiều người dân lo ngại rằng việc thổi nồng độ cồn cũng có thể làm lây lan các bệnh qua đường hô hấp.

Về vấn đề này, ông Trương Quốc Cường, Đội phó Đội CSGT - TT (Công an quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho rằng người dân không cần quá lo ngại về vấn đề lây nhiễm bệnh đường hô hấp khi thực hiện thổi nồng độ cồn.

Ông Cường phân tích, máy đo nồng độ cồn của lực lượng công an giao thông đang được cấp sử dụng có hai loại.

Một loại máy đo nồng độ cồn có đĩa thổi, với loại này, việc thổi hơi thở không tiếp xúc bằng miệng trực tiếp với máy.

Máy đo nồng độ cồn dạng đĩa thổi (Ảnh: Quang Dương).

Khi người dân thổi chỉ có một luồng khí duy nhất đi ra, không có luồng khí đi ngược lại. Vì vậy, nguy cơ người dân hít phải mầm bệnh, lây nhiễm bệnh là gần như không có.

Loại thứ hai là máy đo nồng độ cồn bằng ống thổi trực tiếp. “Với loại này thì lực lượng chức năng sẽ thay ống mới sau mỗi lần sử dụng, vì vậy rất khó để xảy ra lây nhiễm bệnh khi người dân thổi nồng độ cồn”, ông Cường cho biết.

Máy đo nồng độ cồn dạng ổng thổi, loại này sẽ được thay sau mỗi lần thổi (Ảnh: Quang Dương)

"Người dân không nên quá lo ngại những vấn đề này, nên tuân thủ theo quy định, hiệu lệnh của lực lượng chức năng", Phó Đội trưởng CSGT - TT (Công an quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Cường, một chuyên gia truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho hay hiện nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc đo nồng độ cồn gây gia tăng bệnh đường hô hấp.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần chú ý bảo đảm ống thổi (loại dùng một lần) cần được thay sau khi sử dụng.

Người tham gia giao thông khi thực hiện thổi nồng độ cồn, hoàn toàn có thể yêu cầu lực lượng thay ống thổi nếu phát hiện dùng lại.

Đối với loại máy thổi bằng ống đĩa (không tiếp xúc miệng) thì cần khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên để bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người dân.