Tảo hôn là một vấn đề toàn cầu, xuyên suốt các quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo, sắc tộc và có thể xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày có khoảng 40.000 trẻ em và phụ nữ trẻ dưới 18 tuổi kết hôn.
Tảo hôn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân trẻ em gái, gia đình và xã hội, nhất là tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài việc bỏ lỡ cơ hội học tập, phát triển và tận hưởng tuổi thơ, tảo hôn có thể khiến trẻ em gái có nguy cơ cao bị các hình thức bạo lực gia đình, bao gồm cả về thể chất và tâm lý, đối mặt với tình trạng buôn bán người, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cùng tỷ lệ tử vong cao trong sinh sản.
Nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn
Do thiếu tiếp cận giáo dục: Các khảo sát của UNICEF cho thấy, do bị buộc phải kết hôn khi còn nhỏ, việc học tập của các em gái có thể bị gián đoạn vì công việc gia đình hoặc không được phép quay lại trường học hoặc do mang thai sớm.
Nhiều bé gái trở thành cô dâu, phải nghỉ học và có rất ít cơ hội hoàn thành chương trình học.
Đồng thời, việc không được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng cũng làm tăng khả năng buộc phải kết hôn sớm, khiến chu kỳ mù chữ, bị bóc lột và nghèo đói tiếp diễn.
Không được tiếp cận giáo dục sẽ hạn chế các lựa chọn trong tương lai, buộc trẻ em gái phải chấp nhận công việc lương thấp khi trưởng thành và nuôi con trong cảnh nghèo khó.
Do đó, nỗ lực hướng tới giáo dục phổ cập cũng là cách để giải quyết vấn đề tảo hôn, tạo cơ hội việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ. Tiếp cận với hệ thống giáo dục, các em có cơ hội phát huy tiềm năng của mình và có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Do đói nghèo và xung đột: Thực tế cho thấy, tảo hôn phổ biến ở các cộng đồng nơi nghèo đói lan rộng; tỷ lệ sinh và tử vong cao; khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe thấp.
Thiên tai, xung đột vũ trang cũng góp phần làm tăng nguy cơ bạo lực, lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời có thể khiến các gia đình rơi vào cảnh nghèo đói.
Trong hoàn cảnh này, các bé gái dễ bị ép kết hôn sớm hơn vì cha mẹ coi hôn nhân là phương tiện để bảo vệ và chu cấp cho con gái mình. Đáng buồn hơn, nhiều gia đình lại coi việc cho con gái kết hôn sớm như một giải pháp để đổi lấy một chút “của hồi môn” là hàng hóa, lương thực nhằm hỗ trợ sự sống còn của các thành viên khác trong gia đình trong ngắn hạn.
Các bé gái thuộc các hộ nghèo nhất có nguy cơ trở thành cô dâu trẻ em cao nhất. Thống kê của UNICEF cũng cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của các bé gái tại Syria đã tăng gấp đôi so với trước khủng hoảng nội chiến cách đây 5 năm.
Do bất bình đẳng giới và chuẩn mực văn hóa: Ở một số nền văn hóa, tảo hôn là hình thức phổ biến.
Từ việc bị coi là không có khả năng kiếm tiền và do quá trình sinh sản của phụ nữ mau kết thúc hơn so với nam giới, trẻ em gái bị đối xử bất bình đẳng, bị coi như hàng hóa và có thể dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng nghiêm trọng.
Những nỗ lực xóa bỏ tảo hôn tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền và các biện pháp can thiệp nên tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đang có xu hướng giảm dần.
Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao tại một số khu vực miền núi phía Bắc và Trung bộ.
Hiện có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt một số dân tộc có tỉ lệ tảo hôn lên tới 60%. Vấn đề này gây ra nhiều hệ lụy về sức khoẻ trẻ em gái, phụ nữ, trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
Để đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể phải chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới…; Đảm bảo các quyền của trẻ em được ghi nhận trong Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia được thực thi một cách đầy đủ và nghiêm túc.
Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình khó khăn nhằm nỗ lực xóa dần sự chênh lệch giữa các vùng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xóa bỏ tư tưởng, phong tục lạc hậu về vấn đề tảo hôn.
Tiếp tục nhân rộng và duy trì hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” như: Gia đình, dòng họ, thôn, bản "3 không": Không có người tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép...
UNICEF cho biết, có khoảng 70.000 bé gái chết khi sinh con mỗi năm. Một số cô dâu nhí chỉ mới tám hoặc chín tuổi. Hầu hết các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên (90%) đều diễn ra trong hôn nhân. |
Xuân Quang
.