Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Người trẻ truyền cảm hứng

LĐXH
LĐXH

Không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn để chạm đến những thành công mà nhiều người trẻ còn góp phần lan tỏa, tạo ra sự thay  đổi và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Truyền cảm hứng cho thanh niên đổi mới

Tích cực học hỏi, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, chị Teo Thị Hương (ở bản Cang, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) trở thành một trong những đoàn viên tiêu biểu truyền cảm hứng cho tuổi trẻ dân tộc thiểu số vượt khó vươn lên phát triển kinh tế và hoàn thiện bản thân.

thanh nien1.jpg
 Chị Hương (áo vàng) hướng dẫn quy trình chăm sóc gà cho đoàn viên xã Khổng Lào. (Ảnh: Vân Khánh)

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ làm nông nghiệp; cuộc sống khó khăn nên học hết lớp 10 Hương đã nghỉ học và lập gia đình. Tuy nhiên, không cam chịu cuộc sống khốn khó, Hương luôn nỗ lực vươn lên và làm giàu ngay trên quê hương mình.

Học bố mẹ 2 bên chưa đủ, chị tìm đọc sách, xem các chương trình dạy trồng trọt, chăn nuôi trên truyền hình, đi đến các hộ làm kinh tế giỏi để tích lũy kinh nghiệm, vận dụng vào thực tế để tăng thu nhập cho gia đình.

Khi Tổ chức Plan international vùng Lai Châu phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ triển khai mô hình nuôi gà thương phẩm tại xã Khổng Lào, chị Hương mạnh dạn đăng ký.

Sau khi nhận 40 con gà giống, được hướng dẫn kỹ thuật, chị tuân thủ chặt chẽ từng khâu chăm sóc, nhờ đó đàn gà lớn nhanh.

Chị Hương chia sẻ: “Tham gia các mô hình không chỉ là hiệu quả kinh tế mà tôi còn có thêm kiến thức về phòng bệnh, chăm sóc gà. Tôi cũng được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng “xanh” khi làm kinh tế, học kỹ năng sử dụng máy tính tra cứu tìm hiểu thông tin, hạch toán kinh tế gia đình... nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn”.

Vốn chăm chỉ, chịu khó, chị Hương kết hợp chăn nuôi và gieo cấy 3.000m2 lúa, trồng 1.000m2 ngô, 800m2 chuối, 500m2 quế. Thời gian rảnh, chị và chồng đi làm thợ xây, phụ hồ.

Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu trên 100 triệu đồng.

Nhờ đó, gia đình đã xây dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang. Điều đáng quý là chị luôn tích cực hỗ trợ, truyền cảm hứng cho các đoàn viên thanh niên trong xã cùng nhau phấn đấu, vươn lên làm kinh tế.

Chị Lò Thị Phương ở bản Cang cho biết: “Trước đây, tôi thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi nên chưa mạnh dạn làm ăn, chỉ chăn nuôi số lượng nhỏ, phục vụ gia đình. Được chị Hương và cán bộ kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, tôi mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, nhờ đó kinh tế gia đình tôi cũng ngày càng đi lên”.

thanh nien2.jpg
 Anh K’ Đức là tấm gương tiên phong trong phát triển kinh tế, tạo sức lan tỏa đến đoàn viên, thanh niên và người dân.

Khát vọng vươn lên

Luôn năng động, nhiệt huyết trong mọi công việc, anh K’ Đức ở xã vùng sâu Đinh Trang Thượng là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong việc học tập và làm theo lời Bác của huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. 

Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2, xã Đinh Trang Thượng, anh K’ Đức luôn gương mẫu, phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ trong việc tập hợp sức mạnh đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế.

Được học về kỹ thuật trồng trọt hiệu quả cao, K’ Đức luôn đi đầu trong việc thực hiện tái canh, phát triển mô hình trồng xen và chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi kém năng suất sang trồng cây rau màu để nâng cao thu nhập.

Cùng với việc ghép cải tạo, tái canh trẻ hóa 1,5ha cà phê của gia đình, anh K’ Đức còn thực hiện mô hình trồng xen hàng trăm cây ăn trái các loại (sầu riêng, bơ), trồng dâu, nuôi tằm và rau màu, nên kinh tế gia đình anh phát triển ổn định.

“Năm 2021, tôi bắt đầu triển khai trồng rau màu trên diện tích 0,2ha và thu được 130 triệu đồng/năm; năm 2022 thu được 223 triệu đồng, tương đương  4,8 tấn cà phê nhân. Nếu với diện tích 0,2ha trồng cà phê thì không thể thu được 4,8 tấn cà phê nhân”, anh K’ Đức nói. 

Mô hình đa dạng hóa cây trồng đã đem lại thu nhập ổn định từ 450 triệu đồng/năm, tính thu nhập bình quân đầu người trong gia đình đạt 74 triệu đồng/người/năm.

Anh  K’ Đức luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các đoàn viên, thanh niên và bà con trên địa bàn xã. Nhờ đó, đến nay nhiều gia đình cán bộ, đảng viên và hộ dân trong thôn, xã đã học tập, mạnh dạn thực hiện chương trình tái canh, chuyển đổi giống cây trồng, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. 

thanh nien4.jpg
Ánh Viên truyền cảm hứng học bơi cho trẻ em. (Ảnh: Vân Khánh)

Truyền cảm hứng học bơi để giảm đuối nước ở trẻ em

Sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao từ cuối năm 2022, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên đã dành nhiều thời gian truyền cảm hứng bơi lội. Cô tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, với vai trò Đại sứ Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em do Hội đồng Đội Trung ương phát động, Ánh Viên đến những vùng xa xôi để dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ.

Với mong muốn truyền cảm hứng bơi lội cho mọi người, đặc biệt là trẻ em, Ánh Viên còn tham gia dạy bơi thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Chuỗi clip dạy bơi mang tên "Bơi dễ lắm, Viên chỉ cho!" tạo sức hút đặc biệt trên mạng xã hội bởi nhân vật chính là Ánh Viên, người từng được truyền thông khu vực đặt biệt danh "cô gái thép".

Đặc biệt, hình ảnh Nguyễn Thị Ánh Viên tận tình chỉ dạy, lan tỏa tình yêu bơi lội tới các em nhỏ tại lớp dạy bơi miễn phí đã tăng thêm sự thích thú, tự tin cho các em nhỏ khi tập luyện môn bơi. 

Đau đáu với thực trạng rất nhiều trẻ em bị đuối nước, ngoài việc dạy bơi trực tiếp, dạy bơi qua mạng xã hội, Ánh Viên còn khát khao đi khắp cả nước dạy bơi và xem đó là điều ý nghĩa nhất cho cuộc đời mình. 

Tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn luôn có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao. Bởi ở những nơi này, trẻ em chưa được quản lý, trông coi chặt chẽ và đôi khi còn phải tham gia phụ giúp gia đình về kinh tế tại môi trường sông nước. 

Cựu vận động viên sinh năm 1996 bộc bạch: "Em rất muốn có mặt ở những địa phương khó khăn, có nhiều sông, suối, ao, hồ… để góp sức của mình trong việc phổ cập bơi. Đó là những nơi mà em muốn đặt chân đến trong hành trình của mình".

Vân Khánh

Tin liên quan
Làm giàu dưới tán rừng

Làm giàu dưới tán rừng

(LĐXH) - Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao...