Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Những phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với quyết tâm vươn lên, không ít phụ nữ, trong đó có những người dân tộc thiểu số ở những bản làng miền núi xa xôi đã thực hiện hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với tài nguyên bản địa.

Biến trái bơ thành sản phẩm làm đẹp

Tốt nghiệp ngành sư phạm sinh học, với niềm đam mê kinh doanh, từ năm 2011, Phạm Thị Thu Hằng đã khởi sự kinh doanh cùng 3 người bạn mở công ty bán thiết bị định vị nhưng không thành công.

Sau những thất bại ban đầu, chị trở về với nghề giáo viên, gắn bó với bảng đen, phấn trắng và các bạn nhỏ, lập gia đình rồi sinh con. Cứ ngỡ rồi cuộc sống sẽ bình yên, êm ả như vậy.

Những phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa - 1
 Chị Phạm Thị Thu Hằng giới thiệu các sản phẩm làm đẹp được sản xuất từ quả bơ.

Là người sinh và lớn lên dưới gốc bơ, gắn bó với loại quả này, Hằng xót xa khi chứng kiến cảnh những người nông dân Đắk Lắk vật lộn với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa" của trái bơ.

Không cam lòng, ngoài những giờ lên lớp, Hằng gom bơ gửi đi khắp nơi thử nghiệm với mong muốn làm ra những sản phẩm như dầu bơ, bột bơ, bơ sấy dẻo. 

Tuy vậy, sản phẩm bột bơ và bơ sấy dẻo trả về đắng ngắt, không thể đưa vào làm thực phẩm, chỉ có dầu bơ là ổn nhưng giá thành khá cao. “Từ đó, tôi ấp ủ ý tưởng đưa bơ vào mỹ phẩm”, Hằng chia sẻ.

Năm 2017, chị bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên gồm bột bơ và dầu bơ dùng để đắp mặt và thoa lên da, sản phẩm được nhiều người quen, bạn bè ủng hộ và phản hồi khá tốt. 

Năm 2018, nhận thấy nhu cầu của người dân quan tâm đến những sản phẩm làm đẹp an toàn từ thiên nhiên ngày càng tăng, Hằng phát triển thêm các sản phẩm khác từ trái bơ như son dưỡng, xà bông. 

Năm 2019, Hằng xin nghỉ công việc giáo viên để tập trung sản xuất mỹ phẩm từ quả bơ với mong muốn đi tìm lời giải “bài toán” nâng giá trị, tìm đầu ra bền vững cho quả bơ và tăng thu nhập cho người nông dân.

Gần tròn một năm, vừa học hỏi, vừa thử nghiệm, cũng nhờ cô có kiến thức chuyên môn chính quy ngành sinh học nên các sản phẩm từ trái bơ cũng lần lượt được ra đời: Từ son dưỡng trái bơ, son gấc, dầu rửa mặt từ bơ, muối tắm cà phê - dầu bơ, xà bông bơ đến dầu trái bơ nguyên chất… được thị trường đón nhận khá tốt.

Từ những thành công ban đầu, ngày 16/10/2020, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang do Phạm Thị Thu Hằng sáng lập ra đời. Với Pơ Lang, chị muốn chứng minh rằng, mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam không thua kém bất kỳ sản phẩm nổi tiếng nào trên thị trường. 

Để quảng bá sản phẩm, nữ Giám đốc Phạm Thị Thu Hằng đã tham gia nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp, được địa phương hỗ trợ đi nhiều nơi quảng bá sản phẩm và nhận thêm góp ý từ các doanh nhân. Qua mỗi cuộc thi, công ty ngày càng hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh. Châm ngôn của nữ doanh nhân là: “Thi đến khi đạt giải mới thôi”.

Theo chị Hằng, việc tham gia các cuộc thi là cơ hội quý giá để biết mình còn thiếu sót ở đâu, bởi thành viên ban giám khảo đều là những người giàu kinh nghiệm có thể chỉ ra những điều chưa đúng, mách cho mình cách khắc phục điểm yếu.

Ở Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019”, Công ty Pơ Lang không đạt giải do sản phẩm còn sơ sài; đến năm 2020, sản phẩm của công ty đã đa dạng hơn nhưng còn thiếu sót về giấy tờ pháp lý.

Hay ở Cuộc thi “Khởi nghiệp khởi sự của tỉnh Đắk Lắk năm 2020”, Pơ Lang tuy có hỗ trợ đầu ra cho quả bơ nhưng chưa ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, chưa có vùng nguyên liệu dù nhỏ nên chưa đạt giải; đến năm 2022 đã khắc phục được điểm yếu này và đạt giải Ba.

Mới đây, trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7, chị Hằng đã mời các "shark" đầu tư cho công ty 2 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần để mở rộng xưởng sản xuất và cải tiến chất lượng sản phẩm. Sau quá trình đàm phán căng thẳng, 3 "cá mập" là Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Văn Thái và Bùi Quang Minh đã chốt với startup này phương án 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần Lơ Pang.

Theo Hằng, bơ được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây” với rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho làn da. Thực tế, xu hướng thịnh hành của người tiêu dùng thời nay là dùng sản phẩm thuần thiên nhiên, thân thiện với làn da. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào của Pơ Lang cũng được đánh giá cao. 

“Những năm qua, Pơ Lang cùng hợp tác xã liên kết với bà con cải tạo vùng trồng; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, ký hợp đồng cam kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra, do đó bơ luôn đảm bảo đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng và sản lượng. Cơm bơ chất lượng cũng giúp công ty thu hồi dầu với tỷ lệ cao gấp đôi so với bơ thông thường”, chị Hằng nói.

Tương lai, Pơ Lang hướng tới việc thành lập nhà máy riêng theo chuẩn CGMP. 3 năm tới, startup này dự kiến mở rộng vùng nguyên liệu từ 20ha, sản lượng 200 tấn/năm lên 50 - 100ha, sản lượng 500 - 1.000 tấn.

Pơ Lang đang nỗ lực kết nối để cung cấp sản phẩm cho các chuỗi làm đẹp lớn nhằm chinh phục thị trường trong nước và xa hơn là xuất khẩu đến các quốc gia không có bơ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Là người đoạt giải Nhất cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thương (Lạng Sơn) được nhiều người biết đến khi xây dựng mô hình trồng cây hồng vành khuyên hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 phụ nữ dân tộc thiểu số với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Những phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa - 2
Chị Siu Yăm (bìa trái, làng Hlú, xã Ia Tiêm) khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp.

Năm 2017, chị Thương đã tự tìm hiểu và làm nhiều mẻ hồng vành khuyên treo gió nhưng vẫn chưa thể thành công. Mãi đến cuối năm 2021, sau khi tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió tại TP Đà Lạt, chị quyết định đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2 với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.

Đến nay, Hợp tác xã Toàn Thương đã sản xuất thành công sản phẩm hồng vành khuyên treo gió và bước đầu có sản phẩm chất lượng.

Năm 2022, Hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ với 10 hộ dân và 2 hợp tác xã khác với tổng diện tích 20ha trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng thu được 160 tấn/năm. Năm 2023, Hợp tác xã chế biến 150 tấn hồng tươi, thu được thành phẩm 30 tấn, doanh số đạt 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Lập gia đình từ khi rất trẻ, vợ chồng chị Siu Yăm (làng Hlú, xã Ia Tiêm, Chư Sê, Gia Lai) gặp khó khăn về kinh tế, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã. Không cam chịu để cái nghèo đeo bám, chị Yăm luôn trăn trở, nghĩ cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

“Tôi luôn nung nấu ước mơ làm giàu từ nông nghiệp trên mảnh đất quê hương mình. Năm 2015, tôi bàn với chồng thuê 1ha đất để trồng bắp, mì, khoai lang… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng. Sau 3 năm, với số vốn tích lũy được và vay thêm vốn, tôi đã mua được 4ha đất để trồng xen cà phê với bơ nhằm tăng hiệu quả kinh tế”, chị Yăm cho biết.

Ngoài ra, chị Yăm tích cực tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ vậy, mỗi vụ, gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng từ cà phê và gần 200 triệu đồng từ cây bơ. Ngoài trồng trọt, chị Yăm còn chăn nuôi thêm heo, gà và canh tác 4 sào lúa.

Nói về mô hình khởi nghiệp của chị Yăm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Tiêm Nguyễn Thị Thảo cho rằng, nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm mà chị Yăm đã vươn lên làm giàu bền vững. Chị Yăm còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều phụ nữ khác trong làng để cùng phát triển hiệu quả kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ở thôn Bản Pho, xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa, Lào Cai) có hơn 70 hộ kinh doanh du lịch, trong đó mô hình homestay của nữ thanh niên người Mông Giàng Thị Ly là ấn tượng nhất.

Homestay nằm cạnh con dốc nhỏ có view đẹp nhìn xuống thung lũng Mường Hoa, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ gồm 8 phòng riêng và 4 phòng tập thể. Chủ yếu đón khách nước ngoài, chị Giàng Thị Ly còn tổ chức tour trekking và làm hướng dẫn viên du lịch.

Trước đó, Giàng Thị Ly thường đi theo phụ nữ trong thôn bán hàng rong, đeo bám khách du lịch, cả ngày bán được vài chiếc túi, chiếc vòng, vất vả mà kém văn minh. Năm 2018, Giàng Thị Ly bàn với chồng cải tạo lại căn nhà thành homestay từ số tiền tích cóp được và bán 3 con trâu của gia đình.

Năm 2019, dịch Covid-19 ập đến khiến việc kinh doanh hoàn toàn đóng băng. Năm 2022, dịch bệnh qua đi, homestay của Giàng Thị Ly hoạt động trở lại, với cách điều hành năng động, sáng tạo nên nhanh chóng thu hút du khách trong và ngoài nước. 

Hiện homestay của Giàng Thị Ly tạo việc làm ổn định cho 6 - 7 lao động địa phương. Để điều hành homestay, ngoài kỹ năng quản lý, Giàng Thị Ly quyết tâm học tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài.

Phương Anh - Đức Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 123