Báo động tình trạng mua bán thai nhi
Trong hai năm 2017 và 2018, trên địa bàn xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã xác nhận 22 trường hợp phụ nữ mang thai khi sắp đến kỳ sinh nở đã ra nước ngoài để bán con. Sau đó, 21 người đã trở về.
Tình trạng bán thai nhi trong bụng mẹ chủ yếu xảy ra ở các bản của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Riêng bản Đỉnh Sơn 1 xác nhận có 10 trường hợp đã bán thai nhi.
Sau xã Hữu Kiệm, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cũng xác nhận có 20 phụ nữ mang thai trốn ra nước ngoài để sinh đẻ. Những bà mẹ này đều ở diện hộ nghèo có chồng hoặc người thân bị nghiện ma túy, không có việc làm ổn định, nhận thức xã hội và pháp luật còn hạn chế.

Tại thời điểm đó, một thai nhi giới tính trai được trả khoảng 60 triệu đồng, giới tính gái được trả khoảng 80 triệu đồng. Mặc dù chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền và áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Đầu năm 2017, Công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cũng đã phát hiện một trường hợp mua bán thai nhi đưa sang Trung Quốc. Được biết, người mua sẽ trả 50.000 Nhân dân tệ (khoảng 178 triệu đồng) cho người bán thai nhi.
Các đối tượng mua bán thai nhi thường nhắm đến những phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ quá lứa, lỡ thì, các cô gái có hoàn cảnh éo le hoặc mang thai ngoài ý muốn. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng có sự cấu kết chặt chẽ ở cả trong và ngoài nước.
Cho đến nay, tình trạng mua bán thai nhi không chỉ xảy ra ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa mà đã xuất hiện tại 63 tỉnh, thành.
Nghe lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới, sau khi vượt biên sang nước láng giềng, các thai phụ sẽ bán đứa con mà mình đang mang trong bụng với một số tiền khá lớn. Theo thời gian, thủ đoạn dụ dỗ của các đối tượng mua bán thai nhi ngày càng tinh vi.
Trước đây, các đối tượng phải về các vùng biên giới để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin, thì nay bọn chúng có thể lợi dụng mạng xã hội để kết nối, tìm kiếm và câu kéo con mồi. Bằng những lời ngon ngọt và thủ đoạn lừa đảo tinh vi, chúng dụ dỗ được rất nhiều nạn nhân.
Thậm chí, có những phụ nữ từng bị bán sang nước ngoài nay trở về dụ dỗ các nạn nhân khác.
Mua bán thai nhi - Nóng từ nghị trường

Vấn đề mua bán người, đặc biệt là mua bán thai nhi trong bụng mẹ là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận về Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Trước thực trạng mua bán người diễn ra khá phức tạp và có tính chất xuyên quốc gia, để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, thuận lợi trong hợp tác quốc tế về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người hiện nay.
Bà Huỳnh Thị Phúc cho biết, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.
Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là thai nhi trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán bào thai.
Xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên.
Bà Huỳnh Thị Phúc cho rằng, trong lần sửa đổi Luật này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét, có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ.
Mặt khác, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như: tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại…
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị xem xét, bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người, nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, nhiều Đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng, mua bán thai nhi trong bụng mẹ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục. Do đó, pháp luật cần bổ sung việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp mua bán bào thai.
Thanh Huyền
Ấn phẩm Vì trẻ em số 14