Teo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, lũ năm 2019 tại khu vực đầu nguồn và nội đồng ở mức thấp, thấp hơn năm 2018 và trung bình hàng năm (TBNN). Riêng khu vực phía Nam, lũ ở mức cao hơn TBNN khoảng từ 0,1-0,2 mét. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, ở mức thấp hơn năm 2018 và TBNN với mức báo động cấp I. Ở khu vực nội đồng vùng Đồng Tháp Mười đỉnh lũ xuất hiện vào giữa tháng 10 với mức báo động cấp I. Mực nước khu vực phía Nam lên mức cao nhất vào tháng 10, 11 với mức báo động cấp III. Như vậy, trong điều kiện đê bao chắc chắn, các huyện, thị xã, thành phố vẫn có thể tiến hành xả lũ có kiểm soát nhằm lấy phù sa, tiêu diệt lúa rài, lúa chét, cắt đứt cầu nối sâu bệnh, hạt cỏ dại lưu tồn trong đất.
Trả lời TTXVN, ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, các địa phương tổ chức thực hiện việc xả lũ đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu của một số hộ dân tự phát trong ô bao; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với lũ cao, mưa lớn bảo vệ sản xuất như: kiểm tra, tu sửa các điểm đê xung yếu, các công trình cống, bọng, trạm bơm điện bị hư hỏng, rò rỉ, tu sửa máy bơm sẵn sàng tiêu úng và xây dựng phương án chủ động đối phó với tình huống thời tiết bất thường xảy ra.
Ông Thiện cho biết thêm, việc xả lũ vào ruộng các huyện, thị, thành phải tiến hành kiểm tra, rà soát các ô bao có kế hoạch xả lũ, xác định thời điểm xả lũ trên địa bàn, chủ động triển khai các giải pháp để tiến hành xả lũ đảm bảo an toàn sản xuất.
Đối với những ô đê bao không xuống giống Thu Đông, xả lũ sau khi kết thúc vụ Hè Thu cần kiểm tra, theo dõi thường xuyên để đảm bảo không ảnh hưởng đến các ô đê bao có kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông. Ủy ban nhân dân xã, phường,thị trấn lấy ý kiến người dân về kế hoạch xả lũ, công khai thời gian xả lũ từng ô bao, tuyên truyền rộng rãi về thời gian và mực nước xả lũ để tránh xung đột về lợi ích tại những ô đê bao có sự hiện diện cùng lúc của lúa, hoa màu, cây ăn trái.
Việc xả lũ lấy phù sa được đa số người dân thống nhất cao; kiểm soát được mực nước lũ. Thời gian xả lũ tương đối dài, các diện tích xả lũ ngập sâu giúp cung cấp phù sa, cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất.
Huyện Hồng Ngự là huyện đầu nguồn lũ dẫn đầu trong việc xả lũ năm 2019 vào đồng ruộng lấy phù sa. Lãnh đạo huyện này chỉ đạo nông dân không sản xuất lúa vụ 3 mà xả lũ đón phù sa cho 9.000 ha đất lúa nằm trong vùng đê bao khép kín. Việc xả lũ để đất nghỉ, tái tạo chất dinh dưỡng, hạn chế dịch bệnh và chuột phá hại, tạo thuận lợi cho mùa vụ tiếp theo.
Ngoài ra, việc xã lũ vào ruộng giúp cho người dân mưu sinh đánh bắt các loài thủy sản có thêm nguồn thu nhập trong những tháng lũ đầu nguồn đổ về.
Việc xả lũ vào đất ruộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước phù hợp, phục vụ sản xuất lúa Thu Đông 2019 và Đông Xuân 2019-2020. Dự kiến thời gian bơm, rút nước xuống giống vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 12/2019./.