Trong thời gian 140 ngày đêm (28/12/1953 - 16/5/1954), toà soạn tiền phương báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điên Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo đặc biệt.
Mỗi trang báo là một thứ vũ khí sắc bén, phản ánh sâu sắc, toàn diện tình hình chiến sự trên mặt trận Điện Biên... góp phần cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và dân công trên chiến trường.
33 số báo được thực hiện trong mưa bom, bão đạn
Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại Mặt trận Điện Biên Phủ đã hình thành một binh chủng khá đặc biệt - “binh chủng báo chí”.
Các chiến dịch trước đó đều có phóng viên báo chí đi cùng và mọi liên lạc cũng như hoạt động đều do tòa soạn ở hậu phương chỉ đạo trực tiếp.

Tuy nhiên, mọi hoạt động của báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ đều do cơ quan Tuyên huấn của Mặt trận điều phối dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là chiến dịch đầu tiên xuất bản tờ báo ở mặt trận - báo Quân đội nhân dân.
Tại Hội thảo "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại", Thượng tá Mè Quang Thắng, báo Quân đội nhân dân cho biết, hồi đó báo Quân đội nhân dân có 2 sở chỉ huy gồm: 1 sở chỉ huy đại bản doanh gọi là sở chỉ huy hậu phương đặt ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và 1 tờ báo tiền phương đặt ngay trong lòng chiến dịch.
Lán của tòa soạn và nhà in đặt trên sườn đồi Pu Ma Hong, ở Mường Phăng, cách hầm của Tổng Tư lệnh và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận một cánh đồng. Nghĩa là từ Pu Ma Hong, mọi thông tin của Sở Chỉ huy chiến dịch được kịp thời tiếp nhận để chuyển tải đến các đơn vị và dân công hỏa tuyến.
Lúc bấy giờ, phóng viên kiêm biên tập viên rất ít, chỉ có 5 người gồm: Hoàng Xuân Tùy, phụ trách chung; Trần Cư, thư ký tòa soạn; Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp, phóng viên; Nguyễn Bích, họa sĩ trình bày báo, nhưng nhà báo vừa là người phát hành vừa là người đọc báo.
Phóng viên đi khắp các chiến hào giữa lòng chảo Điện Biên thu thập tin tức, đọc báo cho cán bộ, chiến sĩ nghe, vì thời đó nhiều cán bộ, chiến sĩ không biết chữ. Đồng thời mang tờ báo xuất bản nóng hổi tại mặt trận đi để cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến trên mặt trận.
Ngày 28/12/1953, báo Quân đội nhân dân ra số 116 - số báo đầu tiên tại mặt trận vào thời kỳ các đơn vị chuẩn bị trận địa, làm đường kéo pháo, đưa pháo vào trận địa để kịp ngày 26/1/1954 bắt đầu cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.
Đến trưa ngày 26/1/1954, khi các đơn vị đã sẵn sàng thì có lệnh hoãn tiến công và chuẩn bị lại cuộc chiến đấu theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 1/2/1954, phát hành số báo Xuân Giáp Ngọ 1954, lần đầu tiên ở mặt trận, bộ đội và dân công được đọc thơ chúc Tết có chữ ký của Bác Hồ.
Ngày 10/3/1954, trước giờ nổ súng 3 ngày, tòa soạn tiền phương của báo Quân đội nhân dân ra số đặc biệt: Số báo 130 đã đăng trang nhất lời kêu gọi của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, với tựa đề “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân Pháp tại Điện Biên Phủ”.
Ngay sau khi ta chiếm được Him Lam, ngày 14/3/1954, trong số báo 131 đã đưa tin chiến thắng giòn giã với tiêu đề “Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam”. Ngày 11/5/1954, số báo 147 chạy tít lớn tràn trên trang nhất của báo, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam công bố: Quân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Đến ngày 16/5/1954, tòa soạn tiền phương xuất bản số báo 148 với những nhận định thắng lợi, các điện văn chúc mừng, bên cạnh là bài tường thuật cảnh đầu hàng của hàng nghìn binh lính Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là số báo đặc biệt và cũng là số báo cuối cùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong thời gian 140 ngày đêm (28/12/1953 - 16/5/1954) toà soạn tiền phương báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điên Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo đặc biệt.
“Vũ khí” đặc biệt giữa mặt trận

Là một trong những phóng viên tham gia sản xuất báo tiền phương ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp chia sẻ: Ngày đó, phóng viên nghèo, thiếu thốn đủ đường, máy ảnh không có, chỉ có bút và giấy của nhà in, ánh sáng đèn dầu.
Phóng viên đi ra chiến trường phải đeo bao gạo cùng súng, cuốc. Trong đó, súng là thứ nặng nhất và phải mang từ hậu phương để trong tình huống đột xuất sẵn sàng chiến đấu.
Gạo chỉ đủ ăn trong 3 ngày đi đường rừng núi; cuốc mang theo để đi đến đâu đào hầm, hào tới đó, vừa làm nơi trú ẩn, nghỉ ngơi, vừa viết báo.
Phóng viên tác nghiệp độc lập và phải lo đủ thứ, phải biết được hướng đơn vị đóng quân, tên cán bộ chỉ huy, ký hiệu liên lạc... càng tiếp cận được nhiều đơn vị, chiến sĩ càng tốt; ít khi ăn đến hai bữa ở một bếp, ngủ đến hai lần ở một nơi.
Viết nhanh gọn, súc tích, nhiều khi viết đêm với đèn cơ động bỏ túi bằng lọ mực hay ống tiêm cũ. Làm báo mặt trận đòi hỏi phải rất nhanh và thật chính xác.
Phóng viên phải vượt qua bom đạn xuống đơn vị lấy tin, có bài viết xong, nhất là những bài viết về tấm gương và kinh nghiệm chiến đấu phải mang bản thảo xuống đọc cho đơn vị và chiến sĩ nghe trước khi lên báo vì sai sót thì rất nguy hiểm.
Bên cạnh phóng viên, còn có một "nhà in" đi theo. Gọi là nhà in nhưng chỉ một vài ba người làm công tác in ấn, báo in xong có một trung đội với nhiệm vụ phát báo cho các chiến sĩ ở mọi nơi, nơi nào xa thì đi phát trước. Việc in là sử dụng các chữ ghép vào với nhau để thành bản, sau đó quét mực lên và in nhân bản, chờ mực khô… mọi thứ đều rất thô sơ.
Trong hầm sâu, những bản in đều được làm tỉ mỉ, trau chuốt để không có bất kỳ sai sót nào. Mỗi số báo được chuyển đến các chiến sĩ ở mặt trận đều thể hiện tâm huyết của những người làm báo chiến trường.
Bài viết trong 33 số báo đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến chiến sự, cuộc sống sinh hoạt, tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất; vấn đề giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên…
Bên cạnh các bài viết mang tính xã luận, chính luận, bình luận còn có nhiều chuyên mục sinh động, đầy chất lính như: Thi đua mở đường thắng lợi; Sinh hoạt ngoài trận địa; Sổ tay kinh nghiệm, Chuyện Điện Biên Phủ… đã kịp thời động viên bộ đội tin tưởng, lạc quan, vượt khó khăn gian khổ, chiến đấu thông minh, sáng tạo; đồng thời biểu dương những tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kinh nghiệm công tác dân vận, địch vận.
Nhiều bài báo cung cấp cho người đọc những thông tin chỉ đạo quan trọng trong công tác giáo dục chính trị và tổ chức chỉ huy chiến đấu; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng trình độ mọi mặt đến từng cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch như: Dân công, thanh niên xung phong, lực lượng địa phương...
Tờ báo Quân đội nhân dân tiền phương tại mặt trận Điện Biên Phủ là tờ báo thành công và độc đáo. Thành công là bởi tờ báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ tích cực tinh thần chiến đấu của bộ đội, dân công tham gia chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Độc đáo bởi trong suốt lịch sử cách mạng Việt Nam trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ không có tờ báo nào được tổ chức và thực hiện ngay tại mặt trận đạt được thành công như thế.
Thượng tá Mè Quang Thắng khẳng định, những người làm báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ vừa là phóng viên vừa là người lính chiến đấu, thậm chí kiêm luôn cả vai trò phái viên tuyên huấn của Bộ Tư lệnh chiến dịch.
Từ đây, nhiều phóng viên được thử thách, trưởng thành về cả bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, trở thành cán bộ nòng cốt xây dựng các cơ quan văn hóa trong Quân đội.
Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận đã trở thành loại “vũ khí đặc biệt”, thể hiện tính nhân văn và nghệ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Điện Biên Phủ, và để lại dấu ấn sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Châu Anh
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6