Tháng 6, nắng như nung nhưng núi rừng Việt Bắc vẫn ngời xanh, khẳng định sức sống trường tồn của mẹ thiên nhiên ban phát cho một vùng đất từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng lựa chọn làm an toàn khu kháng chiến (1946 - 1954).
Cùng các cơ quan của Đảng, Chính phủ, cơ quan báo chí cũng dời Thủ đô Hà Nội chuyển lên chiến khu Việt Bắc.
Từ đây, những câu chuyện làm báo của một thời đi dép lốp xuyên rừng, xuyên đêm, bữa ăn có sắn cùng măng rừng, rau dớn, sốt rét rụng tóc… kham khổ kể không xiết với những bài báo được viết bên ụ súng có sức sống mãnh liệt được cán bộ, bộ đội, nhân dân truyền tay nhau đọc.

Bấy giờ có các cơ quan báo chí như: Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam; Việt Nam Thông tấn xã; Sự thật; Cứu Quốc; Độc lập… Đặc biệt trong những năm cuộc kháng chiến “dầu sôi, lửa bỏng”, vùng đất Thái Nguyên được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại liên quan tới báo chí cách mạng Việt Nam.
Đó là sự ra đời của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949); Hội Những người viết báo Việt Nam (21/4/1950); Báo Quân đội Nhân dân (20/10/1950).
Sự thay đổi lớn lao của thời gian khiến người trong cuộc của thời “Chín năm” phần nhiều đã về với thế giới người hiền. Những cây viết đại thụ, các nhà nhiếp ảnh và những người đứng trong đội ngũ báo chí Việt Bắc ở độ tuổi trẻ trung nhất hồi bấy giờ nay cũng ngót trăm tuổi.
Đời người tránh sao được quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, chỉ còn lại với thời gian là câu chuyện sử xanh và những di tích mang dấu ấn lịch sử. Các cơ quan thông tấn, báo chí ở chiến khu Việt Bắc đã đạp bằng khó khăn, gian khổ để phục vụ kháng chiến.
Xin gọi là các cụ - mà tuổi của các cụ và những cống hiến của đội ngũ những người làm báo trong giai đoạn đất nước gồng mình đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, xứng đáng để các thế hệ làm báo hôm nay gọi như thế bởi lòng tôn kính, khâm phục.
Nhiều khi tôi cùng các đồng nghiệp hỏi nhau: “Vì sao những bài báo mà các cụ viết trong điều kiện khó khăn về cơ sở vất chất, kham khổ về tinh thần song lại có sức sống kỳ diệu đến vậy?”.
Câu trả lời chỉ có thể là bởi các cụ thấm nhuần chủ trương đường lối và mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước. Các cụ đã viết bằng dòng máu yêu nước, tinh thần quả cảm, kiên cường và trí tuệ sắc bén; đặt lợi ích của Đảng, Chính phủ và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Hơn thế, đó là sự xả thân, sẵn sàng hy sinh vì kháng chiến.
Minh chứng từ chất liệu bài viết còn được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong bài viết luôn có chất thép và tình nghĩa con người kháng chiến sâu đậm. Chất liệu được các cụ khai thác phục vụ cho bài viết thấm đẫm mồ hôi và máu.
Vì từng câu, từng chữ trong bài viết gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ; về tình cảm của những bậc sinh thành tiễn con lên đường ra mặt trận, cả sự nuối nhớ hồn nhiên của người vợ trẻ tiễn chồng ra xa trường.
Trở lại với cuộc sống hiện tại, nhàn tản trong khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên), nhẩn nha đọc từng chữ khắc tạc trên bia đá, ta càng cảm phục tinh thần báo chí cách mạng trong cuộc “kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ”.
Trong thủ đô gió ngàn Việt Bắc, các cơ quan báo chí đã hoạt động sôi nổi, phát huy được vai trò, sức mạnh của báo chí cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đời sống kháng chiến.
Đây là nơi đầu tiên, đồng thời là cơ sở dạy làm báo duy nhất ở chiến khu Việt Bắc. Lớp học được tổ chức trong 3 tháng, với 42 học viên. Rồi từ đây, đội ngũ làm báo Việt Bắc được bổ sung thêm một lực lượng hùng hậu, lăn xả trên mặt trận tư tưởng, ở mọi lĩnh vực và ngõ ngách cuộc sống.
Đặc biệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công việc viết báo thẩm thấu sâu sắc trong mỗi người cầm bút. Không chỉ ở thời báo chí Việt Bắc, đến bây giờ và mãi mãi, lời dạy của Người được các thế hệ viết báo làm cẩm nang nghề nghiệp.
Kể cả thời đại công nghệ số, việc viết báo được số hóa, nhà báo có thể khai thác thông tin qua các nền tảng mạng xã hội nhưng báo chí luôn bảo đảm nguyên tắc gần dân, sâu sát với thực tế cuộc sống và bạn đọc thấy trong bài báo đầy mồ hôi, trí tuệ, sức chiến đấu của tác giả.
Cái nôi báo chí cách mạng Việt Bắc ngày càng sôi động. Năm 1950, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa) trở thành địa điểm đứng chân của Báo Cứu Quốc Trung ương. Báo Cứu Quốc ở nhờ tại nhà sàn của gia đình ông Triệu Đình Quân.

Trong bối cảnh khó khăn chung, hằng ngày, tòa soạn hoàn thiện các tin, bài, ảnh cho 1 số báo, lại cử nhân viên “cõng” tác phẩm vượt mấy chục cây số đường rừng đến nhà in Báo Cứu Quốc ở xã Hợp Thành (Phú Lương, Thái Nguyên).
Hồi bấy giờ ở Định Hóa, còn có Nhà xuất bản Sự thật đứng chân từ năm 1949 đến 1950 tại xóm Hin Trang, sau đổi thành xóm Cây Hồng, nay là xóm Bản Chang, xã Sơn Phú. Điều đáng nói là trong thời gian ở Sơn Phú, Nhà xuất bản Sự Thật đã in, xuất bản nhiều ấn phẩm của Đảng, Chính phủ kịp thời, trong đó có cuốn sách “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” do Chủ tịch Hồ Chí Minh lược dịch.
Đây là cuốn sách mang tính phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp trình độ cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ. Cùng thời gian với Nhà xuất bản Sự thật ở Thái Nguyên, còn có Hội Văn nghệ Việt Nam và Báo Văn nghệ đứng chân tại Xóm Chòi, xã Mỹ Yên (Đại Từ) với những cây đại thụ là: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Song Kim, Xuân Sanh và Nguyễn Tuân…
Trở lại với câu chuyện báo chí Việt Bắc trên hành trình “kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ”, các cơ quan báo chí đều phải hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Phóng viên ra mặt trận hoặc thực tế cùng đời sống của nhân dân, nhất là việc phát hành báo chí, các cụ chủ yếu phải trông cậy vào sự bền bỉ của đôi chân.
Vậy nhưng từ Việt Bắc, báo chí cách mạng vẫn đều đặn đến với bạn đọc các tỉnh miền xuôi và trên vai, trên lưng đội ngũ cán bộ giao thông vận tải theo đường mòn đến với miền Tây Bắc - nơi cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến đang từng ngày đối diện với gian khổ, hy sinh.
Với mục đích đoàn kết, làm nên sức mạnh tổng hợp của đội ngũ người làm báo, ngày 21/4/1950, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc đã thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam).
Vùng đất Roòng Khoa, xã Điềm Mặc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi Người trở lại chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến - có thêm vinh dự là được giới báo chí cả nước lựa chọn làm nơi Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam.
Cũng ở trung tâm thủ đô gió ngàn Định Hóa, vùng đất thôn Khau Diều, xã Định Biên vinh dự được Báo Quân đội Nhân dân lựa chọn làm nơi thành lập. Cụ thể là việc chấp hành Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ tổng Tư lệnh, 2 tờ báo “Vệ quốc quân” và “Quân du kích” sáp nhập thành 1 tở báo, lấy tên Báo Quân đội Nhân dân.
Ngày 20/10/1950, Báo Quân đội Nhân dân xuất bản số báo đầu tiên, trên trang nhất đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đó là lời dạy của Người với đội ngũ những người cầm bút: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.
Báo chí Việt Bắc - Báo chí của một thời đất nước trải đầy gian nan khó nhọc nhưng kiêu hãnh, vinh quang, đội ngũ những người làm báo đã nỗ lực đạp bằng gian khổ, vượt lên gian nguy để dưới ngòi bút sắc là trang bản thảo sắc bén làm nên tên, tuổi tác giả.
Hơn thế, đó là sự xả thân vì sự nghiệp báo chí cách mạng của đội ngũ người làm báo Việt Bắc; là tinh thần hiến dâng của một thế hệ báo chí cho Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Đó là những giá trị cốt lõi đội ngũ báo chí cách mạng chắt chiu từ cuộc sống lao động, chiến đấu của quân, dân ta trên khắp mặt trận, tạo được những dấu ấn tích cực, khẳng định sự đóng góp quan trọng của đội ngũ báo chí trên suốt chặng đường kháng chiến chín năm, góp sức cùng quân, dân cả nước làm nên “thiên sử vàng”.
Phạm Ngọc Chuẩn
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6