Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng: Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong nền báo chí cách mạng, tên tuổi nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (1920 - 2009) gắn liền với sự nghiệp phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Ông là một trong những người đầu tiên sáng lập ngành truyền hình, gắn bó với sự nghiệp phát thanh từ năm 1946 khi là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Nam bộ với vai trò Trưởng khoa Tuyên truyền.

Xếp bút nghiên - một thời để nhớ 

Cố nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, tên thật là Huỳnh Minh Siêng, sinh ra và lớn lên ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Sài Gòn (TPHCM), tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Lúc sinh thời, ông tự nhận mình chỉ là “hạt bụi trong cơn bão táp cách mạng”.

Trong những năm 1936 - 1939 khi còn là học sinh Trường Pétrus Ký ông đã tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, do Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Ông là một trong những người tiên phong lập nhóm học sinh ủng hộ Đảng, lập các tủ sách Mác - xít, vận động học sinh lấy chữ ký kiến nghị phản đối thực dân Pháp bắt giam các chiến sĩ cộng sản. 

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng: Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu - 1
Chân dung cố nhà báo Huỳnh Văn Tiểng.

Đầu thập niên 1940 - 1943, ông tham gia lập phong trào Câu lạc bộ học sinh Sài Gòn và là Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên vận động phong trào sinh viên yêu nước bằng những ca khúc, ca kịch và truyền bá quốc ngữ cho thanh niên.

Đồng thời cùng với những bạn thân của mình là Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ thành lập nhón Huỳnh - Mai - Lưu hoạt động rất sôi nổi. Ngay từ thời ấy, ông đã nổi tiếng trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước khi là đồng tác giả (về phần lời) trong nhóm Huỳnh - Mai - Lưu, với rất nhiều ca khúc cách mạng: “Tiếng gọi thanh niên”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Bạch Đằng Giang”, “Ải Chi Lăng”, “Lên đàng” (Lên đường)… 

Sau khi đậu tú tài ở Trường Pétrus Ký, ông ra Hà Nội học Đại học Luật, tiếp tục cùng nhóm Huỳnh - Mai - Lưu tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên yêu nước.

Thời gian này, ông tích cực tham gia các hoạt động của Tổng hội sinh viên Đại học Đông Dương, do Dương Đức Hiền làm Chủ tịch. Nhóm Huỳnh - Mai - Lưu và nhiều sinh viên miền Nam nằm trong Ban Âm nhạc của Tổng hội. 

Để tuyên truyền, khích lệ cổ vũ tinh thần yêu nước của sinh viên, Tổng hội đã dàn dựng vở kịch “Đêm Lam Sơn” của Huỳnh Văn Tiểng. Đầu năm 1944, các sinh viên miền Nam trong Tổng hội phát động phong trào “xếp bút nghiên” để “mau về Nam” tham gia cách mạng. Nhóm cùng nhiều sinh viên miền Nam đạp xe vượt hàng ngàn cây số từ Hà Nội về Sài Gòn. 

Ngay khi về đến Sài Gòn, ông cùng Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ tham gia hàng ngũ Thanh niên Tiền phong. Đây là tổ chức tập hợp lực lượng thanh niên để đảm đương nhiệm vụ cần đến sức mạnh trong giai đoạn đấu tranh giải phóng nước nhà. Với nhiệt huyết của sinh viên vừa “xếp bút nghiên” để về Nam, ông tích cực tham gia cuộc vận động Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành thắng lợi ngày 25/8/1945 ở Sài Gòn.

Nhưng chính quyền về tay nhân dân ở thành phố này chưa đầy 1 tháng thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn và trở lại đánh chiếm Sài Gòn cùng vùng lân cận. Ngay trong đêm 23/9/1945, ông cùng nhiều người tỏa đi truyền lệnh kháng chiến tại Sài Gòn. Sau đó, ông được bầu làm Ủy viên UBND Nam bộ và Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ (ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch). 

Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội của Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại cuộc họp Quốc hội khóa đầu tiên tháng 3/1946 ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), ông đã thay mặt đại biểu Quốc hội Sài Gòn - Chợ Lớn đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Sài Gòn được mang tên Hồ Chí Minh.

Tháng 5/1946, ông tham gia tổ thư ký của đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Tôn Đức Thắng và đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pháp trình bày quan điểm thống nhất ba kỳ, tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. 

Tâm huyết với phát thanh và truyền hình      

Sau chuyến đi Pháp theo đoàn đại biểu Quốc hội, trở lại Sài Gòn, với cương vị là Ủy viên tuyên truyền của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, ông và một số thành viên đã xây dựng và phát sóng Đài Tiếng nói Nam bộ với câu xướng mở đầu chương trình: “Đây là Tiếng nói Nam bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn, tiếng nói chiến đấu”.

Tại đây, ông đã viết những bài bình luận sắc bén, kịp thời cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu của quân, dân Nam bộ bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Sự ra đời của Đài Tiếng nói Nam bộ cùng các Đài Tiếng nói Đồng Tháp Mười, Đài Tiếng nói Nam bộ Kháng chiến đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền cổ vũ động viên kịp thời nhân dân Nam bộ liên tiếp lập chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Là người có kinh nghiệm và gắn bó với sự nghiệp phát thanh từ năm 1946, khi là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Trưởng Khoa Tuyên truyền, năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được giao nhiệm vụ Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Suốt hơn 20 năm, ông trực tiếp chỉ đạo, duyệt bài các chương trình phát thanh vào Nam, đồng thời lăn lộn cùng tập thể lãnh đạo Đài thực hiện nhiều công việc quan trọng, xây dựng và phát triển, đảm bảo sóng được phát liên tục (kể cả khi không quân Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt). 

Sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, nhận thấy tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến mới, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng bộ phận truyền hình. Ông cùng đồng nghiệp tập trung cải tiến máy móc trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nội dung chương trình để ra mắt Đài Truyền hình Việt Nam ngày 7/9/1970, tại số 58 Quán Sứ, Hà Nội.

Đội ngũ cán bộ chủ yếu được đào tạo tại Cuba và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang đi đến giai đoạn cuối cùng vào tháng 4/1975, Trung ương Đảng quyết định cử đoàn Đài Truyền hình Việt Nam vào Sài Gòn tiếp quản và chuẩn bị phát sóng.

Ông đang là Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm Trưởng ban Vô tuyến truyền hình được cử dẫn đầu đoàn cán bộ hành quân “thần tốc” vào Sài Gòn và tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn đúng chiều 30/4/1975. 

Người giám đốc đầu tiên của Đài truyền hình TPHCM

Ông đã gặp gỡ và hợp tác với Trung tá, kỹ sư Lê Vĩnh Hòa (Việt Nam Cộng hòa) là Tổng cục Trưởng Tổng cục Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh Sài Gòn, nhanh chóng chuẩn bị về nhân sự, kỹ thuật để tiếp tục phát sóng. Sáng 1/5/1975, khi trật tự ở Sài Gòn được thiết lập, cán bộ truyền hình từ Hà Nội vào, từ căn cứ Tây Ninh về cùng nhân viên cũ của Đài Truyền hình Sài Gòn ra đường tác nghiệp, chuẩn bị phương tiện kỹ thuật để phát sóng. 

Đúng 19h tối 1/5/1975, người dân Sài Gòn vô cùng ngạc nhiên khi trên ti vi xuất hiện hình ảnh lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay phấp phới.

Giọng đọc truyền cảm, dõng dạc của hai phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước và Hồ Mỹ Hạnh: “Đây là Đài Vô tuyến truyền hình Sài Gòn Giải phóng” khiến ai cũng xúc động dâng trào, vỡ òa niềm vui. Nội dung của buổi phát sóng đầu tiên chủ yếu là thông báo của Ủy ban Quân quản thành phố về những nhiệm vụ trước mắt tại Sài Gòn - Gia Định, cùng thông báo của Ban Giám đốc Đài về lịch phát sóng, thời lượng chương trình…

Từ đó, Đài Vô tuyến truyền hình Sài Gòn Giải phóng tiếp tục phát sóng hàng đêm, trở thành kênh truyền hình cách mạng đầu tiên ở Sài Gòn. Ông trở thành Giám đốc đầu tiên của Đài Vô tuyến truyền hình Sài Gòn Giải phóng, sau đổi tên là Đài Truyền hình TPHCM (HTV).          

Thời kỳ ông giữ chức Giám đốc HTV (1976 - 1989) là giai đoạn khó khăn nhất của Đài. Đất nước mới giải phóng, bị cấm vận, phong tỏa nhiều mặt, đang tiến hành cải tạo công thương, lại phải đối phó với chiến tranh biên giới, cơ chế quan liêu bao cấp.

Từ khi Ủy ban Phát thanh và Truyền hình giải thể, các đài truyền hình giao lại cho địa phương, đời sống khó khăn khiến một số cán bộ, công chức có tay nghề rời bỏ đài. Năm 1987, tình hình HTV càng bi đát.

Vì thiếu tiền cải tạo hệ thống điện đã quá cũ kỹ mà đêm 23/8/1987, một trận hỏa hoạn lớn do sự cố điện đã thiêu rụi trung tâm truyền hình, chỉ còn đài phát sóng và bộ phận tư liệu. 

Khó khăn chồng chất khó khăn, nếu không thật sự tâm huyết, bản lĩnh chèo lái và động viên kịp thời của ông thì con thuyền HTV khó có thể vượt qua sóng gió. Bằng kinh nghiệm lâu năm lăn lộn trong nghề và tính quyết đoán, ông đã nhanh chóng cùng tập thể cán bộ, nhân viên, phóng viên, đạo diễn kỹ thuật viên của Đài vực dậy HTV, chuyển qua phát hình màu, chấm dứt hệ đen trắng;

Đồng thời cho ra đời Kênh 7 - đánh dấu lần đầu tiên quảng cáo xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình kể từ sau 30/4/1975 và cũng lần đầu tiên một đài truyền hình của Việt Nam phát 2 kênh với nội dung độc lập. 

Tiếp đó, ông cho thành lập Trung tâm Dịch vụ Truyền hình, chuyên lo việc quảng cáo, mua, bán bản quyền các chương trình, từ đó tạo nguồn thu cho HTV. Đây cũng là thời điểm 2 chương trình nổi bật trên HTV (xuất hiện từ đầu thập niên 1980) là kịch và ca nhạc tiếp tục được phát triển, đẩy mạnh thu hút khán giả màn ảnh nhỏ.

Năm 1988, lần đầu tiên HTV truyền hình trực tiếp ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức với gần 72 bác sĩ tham gia, bác sĩ Trần Đông A là trưởng ê kíp mổ. Ở thời điểm ấy, đây là lần đầu tiên một ca phẫu thuật nổi tiếng được truyền hình trực tiếp tại Việt Nam.

Đặc biệt năm 1989 - năm cuối cùng làm việc ở Đài, với cương vị Giám đốc, ông quyết định thực hiện xã hội hóa một số chương trình hoạt động bằng việc kêu gọi cho Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình thành phố và đã gặt hái thành công, gây được tiếng vang và duy trì hàng năm cho tới nay.

Cố nhà báo Huỳnh Văn Tiểng là đại biểu Quốc hội từ khóa 1, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong 24 năm (1959 - 1983); được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất…

 

Lương Định 

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Tin liên quan
Người anh hùng trong lòng tôi

Người anh hùng trong lòng tôi

Khi viết những dòng hồi tưởng này, tôi đang là một Đảng viên dự bị, con gái của cựu chiến binh Đ.N.D vừa mất (năm 2023), người đã thắp lên ngọn lửa...
Báo chí cách mạng thời “Chín năm”

Báo chí cách mạng thời “Chín năm”

(LĐXH) - Trên dòng chảy lịch sử có một giai đoạn đáng nhớ của giới báo chí, đó là thời “Chín năm làm một Điện Biên”, báo chí đã có những đóng góp...