Đó là báo Giải phóng, báo Quân giải phóng, tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, tạp chí Văn nghệ giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng…
Đây là lực lượng báo chí do Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trực tiếp chỉ đạo và đã có nhiều công lao góp phần thông tin nhanh nhạy, chính xác, chân thực tạo ra sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và niềm tin chiến thắng thống nhất nước nhà.
Trong đó, có đóng góp đáng kể của báo Quân giải phóng (QGP) - tờ báo của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Báo QGP phát hành số đầu tiên vào ngày 1/11/1963 (tiền thân của báo Quân khu 7 ngày nay).
Tiếng nói của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam
Theo cuốn sách báo Quân giải phóng (1963 - 1975) của tác giả Đại tá, PGS, TS nhà sử học Hồ Xuân Đài, sau sự kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bại cuộc hành quân càn quét của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại mặt trận Ấp Bắc (2/1/1963) đã gây được tiếng vang, tạo đà cho phong trào kháng chiến trên toàn miền Nam.

Để kịp thời động viên khích lệ tinh thần chiến sĩ, Ban Quân sự Miền quyết định xuất bản một ấn phẩm báo chí dành cho lực lượng vũ trang. Ngày 25/3/1963, trong một hội nghị cơ quan Miền tại căn cứ Trảng Chiến (Tây Ninh), ông Trần Nam Trung, Trưởng ban Quân sự Miền đã phổ biến về chủ trương thành lập báo QGP.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 2/8/1963, Chủ nhiệm Chính trị Lê Văn Tưởng triệu tập hội nghị nhằm xác định chủ trương, thành phần, cơ chế duyệt tin, bài và phân công nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, báo QGP (mật danh A4) là cơ quan trực thuộc Phòng Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Phòng Chính trị Miền) do Trưởng ban Tuyên huấn Lê Đình Lệ phụ trách, Võ Thành Liên và Trần Nam Hương thường trực tòa soạn báo QGP là tiếng nói của lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, với nội dung nhằm tuyên truyền nhanh nhạy, chính xác, kịp thời chủ trương của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền.
Ban đầu báo QGP gồm 4 trang khổ 27x39cm, nội dung các chuyên mục khá phong phú gồm: Xã luận, bình luận, thời sự, phóng sự, tổ tiên ta đánh giặc, thơ văn, biếm họa, tranh cổ động… ra số đầu tiên vào ngày 1/11/1963.
Báo QGP phản ánh hiện thực cuộc chiến tranh ác liệt với phạm vi rộng lớn trên khắp các chiến trường miền Nam, trở thành công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng.
Báo đã kịp thời đưa tin, bài, hình ảnh chiến sự từ nhiều mặt trận để tuyên truyền, động viên cổ vũ đồng bào và các lục lượng vũ trang nhân dân trên khắp miền Nam, anh dũng chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những nhà báo - chiến sĩ
Ngoài lực lượng cộng tác viên của các tổ chức khác, trong Ban Tuyên huấn như: Huấn học (mật danh A1), Tuyên truyền (A2), Ban chuyên trách (A5), Văn nghệ Quân giải phóng (A6) quy định nhân sự phải tham gia viết bài cho báo QGP.
Theo đó, A1 viết về chính trị, A2 viết về chiến sự, A5 viết xã luận, bình luận, A6 chuyên về mảng văn hóa, văn nghệ. Nhờ đó, báo QGP luôn có những bài viết nóng hổi tính chiến sự và những bài xã luận, chính luận sâu sắc thu hút độc giả cả trong và ngoài lực lượng vũ trang.
Đặc biệt, nhiều bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi ấy là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam như: “Ba Gia gọi Đồng Xoài”, “Mỹ giàu nhưng không mạnh”, “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn”, “Mỹ và ngụy thua to trong mùa khô 1966 - 1967”.
Đây là nhũng bài báo được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết riêng cho báo QGP với những nhận định, phân tích một cách sâu sắc về kinh nghiệm chiến đấu, chỉ rõ cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của Mỹ - ngụy, thông qua đó tìm ra phương pháp đánh Mỹ hiệu quả nhất, đồng thời cổ vũ, động viên nêu cao ý chí quyết tâm thắng Mỹ của quân và dân ta.

Từ thực tế chiến trường và kênh thông tin báo QGP lúc bấy giờ đã làm dấy lên phong trào thi đua sâu rộng, mạnh mẽ ở toàn miền Nam như: “Tìm Mỹ mà đánh”, “Thấy ngụy là diệt” và câu nói “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở thành khẩu hiệu hành động, phương châm đánh Mỹ quyết liệt của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
Nhiều bài báo của các nhà báo chiến sĩ nóng hổi tính chiến sự như: “Hiệu triệu thi đua Ấp Bắc” của Nguyễn Viết Tá trở thành sự kiện phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam khi ấy.
Lời hiệu triệu không chỉ cho riêng chiến trường B2 mà trên toàn miền Nam, tất cả đều dấy lên khí thế “Thi đua cùng Ấp Bắc”, phá ấp chiến lược giành quyền làm chủ, làm thất bại một bước quan trọng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Từ sự cổ vũ, khích lệ kịp thời của báo QGP, khí thế thi đua giết giặc lập công của quân và dân ta lan rộng khắp chiến trường miền Nam. Đây là thời kỳ nở rộ những gương dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe tăng, xe cơ giới các loại, nhiều anh hùng và chiến sĩ thi đua lập công xuất sắc.
Có thể nói, đóng góp đáng kể và tiêu biểu nhất của báo QGP trong thời kỳ này không chỉ góp phần truyền bá tư tưởng chiến lược, những ý kiến chỉ đạo kịp thời của Bộ chỉ huy Miền theo từng diễn biến ngày càng ác liệt và phức tạp của cuộc kháng chiến mà còn chỉ ra cách đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ.
Những bài báo luôn mang hơi thở nóng hổi của chiến sự xuất hiện trên báo QGP khi ấy không chỉ làm nức lòng quân dân hai miền Nam - Bắc, với những chiến công oai hùng và khẳng định sức mạnh của quân đội ta, mà còn làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Những bài báo, hình ảnh trả bằng máu
Để có những tin, bài, hình ảnh trung thực, nóng hổi tính chiến sự, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo QGP đã trải qua bao khốc liệt của cuộc chiến.
Nhiều phóng viên đã sát cánh cùng đồng đội và nhân dân vừa tham gia chiến đấu, vừa tác nghiệp trên khắp chiến trường miền Nam từ Quảng Trị, Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ và mặt trận Sài Gòn - Gia Định.
Họ viết những bài báo về chiến sự ngay dưới hầm trú ẩn trong mưa bom bão đạn, nhiều phóng viên bị sập hầm vùi sâu dưới đất đá, có người bị thương máu nhuộm cả trang bản thảo nhưng vẫn quyết tâm viết xong bài báo gửi về tòa soạn. Có thể nói, những nhà báo, chiến sĩ lúc đó đã phải “trả giá bằng máu cho từng trang viết”.
Có không ít nhà báo, chiến sĩ khi xông pha tác nghiệp trong lửa đạn đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Trong cuộc tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bất chấp hiểm nguy, nhà báo Thân Trọng Hân đã theo tiểu đoàn mũi nhọn tiến sâu vào nội đô Sài Gòn chiến đấu kiên cường và đã anh dũng hy sinh.
Đi cùng Trung đoàn Bình Giã, tấn công vào Tây Nam Sài Gòn trong đợt 2 Mậu Thân 1968, nhà báo Phạm Ngọc Châu đã oanh liệt ngã xuống khi trúng bom xăng của kẻ thù và hình ảnh anh bốc cháy trong thế tiến công trở thành biểu tượng bi hùng về sự xả thân của những nhà báo - chiến sĩ.
Đặc biệt, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thi theo Đoàn 10 Đặc công đánh các mục tiêu hiểm yếu ở Sài Gòn, bị địch phát hiện và bao vây, anh đã cùng 90 chiến sĩ Đoàn 10 chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đã ngã xuống trên đường phố Sài Gòn (Mậu Thân 1968).
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh 1972, phóng viên quay phim Phan Đồng Cam đã dũng cảm theo sát lực lượng đột phá khẩu của Sư đoàn 5 và hy sinh, để lại những thước phim vô cùng quý báu.
Trên từng trang báo QGP trong suốt 12 năm tồn tại (1963 - 1975), với 338 số phát hành đều phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống và chiến đấu gian khổ, hy sinh của đông đảo cán bộ, chiến sĩ giải phóng và đồng bào miền Nam bất khuất.
Đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều phóng viên, cán bộ báo QGP đã có mặt tại các điểm nóng của chiến trường, như: Vũ Bằng, Thanh Giang, Mai Bá Thiện, Trần Phấn Chấn, Nguyễn Viết Tá, Vũ Xiêm, Đình Thịnh, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Đỗ Kết, Trần Thanh Nguyên.
Những phóng viên báo QGP không chỉ cầm bút mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu rất anh dũng. Có phóng viên trong trường hợp đặc biệt khi chỉ huy đơn vị hy sinh, đã thay thế chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhiều phóng viên đã anh dũng hy sinh, máu đào của họ không chỉ góp phần tô thắm những chiến công mà còn thắp lên ngọn lửa trong từng bài báo, cổ vũ sức mạnh của dân tộc làm nên chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Lương Diệp Phong
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6