Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Bình Định thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công

(Dân sinh) - Trong những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Định luôn xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Bình Định có trên 180.000 đối tượng chính sách, trong đó có trên 30.000 liệt sĩ, trên 26.000 thương binh, gần 2.000 bệnh binh, hơn 500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 3.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 27.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 25.000 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 2.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đặc biệt, cả tỉnh có 5.313 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", trong đó có 1.041 Mẹ được phong tặng, hiện còn sống 264 Mẹ.

Trong giai đoạn 2013 – 2020, thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan; Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác công nhận người có công với cách mạng đạt kết quả cao. Đã tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc thực hiện tốt công nhận người có công.

Bình Định thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (bìa phải) và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang thăm hỏi sức khỏe và tặng quà Mẹ VNAH Phạm Thị Hẹ, ở thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp. Ảnh BĐO

Công tác phổ biến, tuyên truyền thủ tục, hồ sơ công nhận người có công với cách mạng được xác định là khâu quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách. Trong 8 năm qua, bằng nhiều hình thức, phương pháp truyền thông đa dạng, phong phú, hệ thống văn bản quy định chính sách ưu đãi người có công đã được tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đặc biệt là việc thực hiện xây dựng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhất là tuyên truyền mạnh mẽ trong dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 hàng năm. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với chính sách ưu đãi người có công. Tuyên truyền thông qua các Hội nghị gặp mặt người có công tiêu biểu hàng năm và chương trình điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người có công hàng năm. Thực hiện niêm yết công khai các văn bản chính sách, thủ tục hồ sơ, cải cách thủ tục hành chính về chế độ chính sách người có công tại các cơ quan, trụ sở tiếp dân.

Đi đôi với công tác tuyên truyền là công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Hàng năm, lãnh đạo cấp huyện và cán bộ thực hiện chính sách ở các xã, phường, thị trấn đều được bồi dưỡng nghiệp vụ. Nội dung tập huấn là phổ biến, tuyên truyền chính sách mới có liên quan công tác công nhận người có công, hướng dẫn cách xác lập hồ sơ và phương pháp xác nhận công nhận người có công.

Qua công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước và nghiệp vụ thực hiện công nhận người có công với cách mạng đã giúp cho cán bộ làm công tác xác nhận người có công tại các huyện, thị xã, thành phố và các phường, xã nắm bắt kịp thời các văn bản hướng dẫn của cấp trên để tham mưu Ban chỉ đạo xác nhận người có công địa phương thực hiện đúng quy định và đạt hiệu quả. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác chính sách người có công đã được quan tâm chú trọng và thu được nhiều kết quả thiết thực.

Ông Phan Đình Hòa-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, qua triển khai pháp luật về công nhận người có công và chỉ đạo của các cấp, ngành, giai đoạn từ năm 2013 – 2020, Bình Định đã tập trung triển khai và thẩm định, xét duyệt giải quyết các chế độ, chính sách cho hơn 15.010 đối tượng người có công và thân nhân, trong đó có 3.343 Mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh việu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", hiện nay 264 Mẹ VNAH còn sống đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng; qua rà soát tỉnh Bình Định có 289 hồ sơ (trong đó hồ sơ đủ điều kiện được giải quyết theo Quyết định 408: 165 hồ sơ; hồ sơ đưa ra khỏi danh sách hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408: 124 hồ sơ). Hiện nay, công tác này được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết.

"Bên cạnh đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh, nhất là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nội Vụ, Sở Y tế, Hội Cựu tù chính trị, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh các cấp, các tổ chức đoàn thể, các cá nhân cùng tham gia quản lý nhà nước về ưu đãi người có công nên công tác chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả"-Ông Phan Đình Hòa chia sẻ.