NCC được hỗ trợ, chăm lo toàn diện
Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, hơn 73 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi NCC được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với NCC mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Cả nước có khoảng 9,2 triệu NCC với cách mạng, trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Nhìn chung, chế độ ưu đãi NCC đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ… Đời sống NCC không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hằng tháng tăng từ hơn 1,3 triệu đồng năm 2015 lên mức hơn 1,6 triệu đồng năm 2020.
Đến cuối năm 2020 có 99,7% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC; phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng và không còn hộ NCC thuộc diện nghèo. Hoàn thành việc xem xét, giải quyết và trả lời đối với 6.800 hồ sơ NCC tồn đọng tại thời điểm rà soát năm 2017 tại các cơ quan quân đội, công an và địa phương theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Bên cạnh đó, triển khai Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, Bộ LĐ-TB&XH đã thẩm định "Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương", với tổng số 393.707 hộ (trong đó đề nghị xây mới là 184.695 hộ, đề nghị sửa chữa là 209.012 hộ), ngân sách nhà nước đã cấp kinh phí cho các địa phương thực hiện với số tiền là 10.654 tỷ đồng.
Điểm mới trong Pháp lệnh NCC sửa đổi năm 2020
Với quan điểm "tất cả NCC đều phải được hưởng đầy đủ chính sách và đời sống ngày được nâng cao", Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Ban Bí thư ban hành và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng; tham mưu xây dựng và hoàn thiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (Pháp lệnh), được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất là ngày 9/12/2020 tại Phiên họp lần thứ 51 của UBTV Quốc hội (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) và có hiệu lực kể từ 1/7/2021.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 năm 2020 mở rộng phạm vi điều chỉnh việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng. Bổ sung một số đối tượng NCC với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi như: Người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống…
"Mỗi lần sửa đổi Pháp lệnh là một lần chính sách NCC với cách mạng lại được hoàn thiện hơn, giải quyết tốt hơn những vấn đề còn tồn tại từ thực tiễn triển khai chính sách tại địa phương và quan trọng hơn là bổ sung các chế độ, chính sách mới đối với từng diện đối tượng trong điều kiện ngân sách nhà nước cho phép để tiếp tục nâng cao đời sống NCC với cách mạng. Do vậy, việc thường xuyên nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi NCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Bộ LĐ-TB&XH".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, để thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống NCC, thời gian tới cần tập trung vào các vấn đề sau:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn, NCC hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình NCC vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ NCC thuộc diện hộ nghèo.
Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, nội dung mới của Pháp lệnh năm 2020. Thường xuyên đánh giá tổng kết và nghiên cứu toàn diện các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh một cách cụ thể, đồng nhất, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách ưu đãi NCC thực sự đi vào cuộc sống.
Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với NCC, như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh... Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá công tác NCC với cách mạng trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chăm lo đời sống NCC và gia đình.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác NCC với cách mạng, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh công tác xác định danh tính liệt sĩ; quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận NCC bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những NCC và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng chính sách để trục lợi, đảm bảo khách quan và công bằng giữa các đối tượng tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách rất đặc biệt và cao quý này của Đảng và Nhà nước đối với những người đã hy sinh xương máu, dâng hiến cả cuộc đời mình vì độc lập, tự do và sự toàn vẹn của Tổ quốc.