Tại đây nhiều di tích in đậm dấu ấn hình ảnh Bác Hồ được bà con các dân tộc luôn gìn giữ, trân trọng.
ATK Tân Trào - Hội tụ tiềm năng du lịch
Từ thị trấn huyện Sơn Dương vào xã Tân Trào khoảng 15km, dọc hai bên đường những cây lát, tếch, si cao vút, những cánh đồng lúa xanh mướt… cuộc sống của người dân ATK Tân Trào khởi sắc phần lớn nhờ vào phát triển du lịch. Trong hành trình về thăm Khu căn cứ địa cách mạng, chúng tôi nhận ra sự thay đổi ngay trong mỗi ngôi nhà, trẻ em được học hành, nhiều gia đình sắm được tivi, xe máy, xây nhà mới.
Nhiều trường học, nhà văn hóa, đường giao thông… được xây dựng. Đặc biệt, các di tích lịch sử được đầu tư, gìn giữ để phát triển du lịch.

Xã Tân Trào và các xã ATK trong khu vực có đến hàng trăm địa danh lịch sử cách mạng, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa lãnh đạo cách mạng tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân và cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Vẫn còn đó đình Tân Trào - nơi diễn ra Hội nghị quốc dân; lán Nà Lừa - nơi Bác sống và làm việc trong những ngày tiền khởi nghĩa và những cây đa Tân Trào, mái đình Hồng Thái, ngòi Thia...
Ông Hoàng A Dua - cựu chiến binh ở ATK Tân Trào cho biết: “Chúng tôi tự hào là công dân của Khu căn cứ địa cách mạng, đồng bào các dân tộc trong vùng không tiếc máu xương, ngày đêm bảo vệ, chở che cán bộ Cụ Hồ và tòng quân ra trận đánh giặc lập công...
Mấy năm gần đây, Nhà nước đầu tư xây dựng đường, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhờ đó mà đồng bào được giao lưu văn hóa, học hỏi phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo, nông sản làm ra tiêu thụ dễ dàng, nhanh chóng”.
ATK Tân Trào được tỉnh Tuyên Quang chọn làm điểm du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái. Tại đây đã hình thành nhiều cơ sở phục vụ du lịch, hằng năm đón tiếp hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan... Tại xã Tân Trào, nhiều hộ nhờ làm kinh tế giỏi đã trở thành triệu phú, như gia đình chị Nguyễn Thị Lan, dân tộc Tày, xóm Bòng có thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm, hay như gia đình ông Hoàng Văn Nhiên, dân tộc Tày, xóm Cây Đa đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Hiện xã không còn hộ nghèo. Các tuyến xe khách, xe tải hối hả nối nhịp đưa Tân Trào với thị xã và các tỉnh lân cận, cùng với đó là hàng hóa được trao đổi nhanh chóng, thuận tiện.
Định Hóa phát triển du lịch cùng nông nghiệp
ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có địa thế chiến lược quân sự “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ - tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Nơi đây có hàng trăm di tích lịch sử như di tích lán Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý, Tỉn Keo và Khuôn Tát; di tích quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng ở bản Lá; di tích Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nà Mòn; di tích Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Thẩm Khen; di tích Tổng bộ Việt minh và Hội Nhà báo Việt Nam ở Roòng Khoa; trụ sở làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng cục chính trị ở xã Định Biên; Văn phòng Tổng tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Bảo Linh; nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà trưng bày ATK Định Hóa…
Tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm gắn di sản với việc bảo tồn phát triển sinh thái tài nguyên đất nước đồi rừng để phát triển kinh tế - xã hội. Không gian ATK xưa được tái hiện với mái lán nhà làm việc, hệ thống hầm hào… những cây bưởi, cây dâm bụt Bác Hồ trồng tỏa bóng mát.
Những câu chuyện cảm động về lãnh tụ Đảng, Nhà nước tại chiến khu xưa được kể lại càng làm cho chuyến thăm chiến khu thêm thú vị. Trên đỉnh đồi De, nhà tưởng niệm Bác Hồ ngày nào cũng có hàng trăm du khách viếng thăm. Nơi đây, ngày xưa được xem như “Phủ Chủ tịch”, giờ là nơi hằng năm mở hội Lồng Tồng thu hút hàng vạn du khách hành hương.
Bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây cùng với di tích lịch sử và cả cảnh quan sinh thái là tiềm năng du lịch lớn đang được quan tâm đầu tư khai thác. Bà con các dân tộc ở ATK Định Hóa vui mừng vì Đảng, Nhà nước quan tâm đến đời sống kinh tế, tinh thần, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 khâu đột phá, gồm: Phát triển thị trấn Chợ Chu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn; phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lịch sử - văn hóa.
Mục tiêu phấn đấu của huyện là giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4%/năm trở lên; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 105 triệu đồng; đồng thời đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực.
Hiện toàn huyện có khoảng 2.700ha quế, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung; mỗi năm, huyện chỉ đạo thực hiện trồng mới trên 500ha quế, phấn đấu đến năm 2025 đạt quy mô trên 5.000ha.
Huyện Định Hoá có khoảng 3.400ha chè, năng suất ước đạt 65 tạ/ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm. Nhiều giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao như bát tiên, phúc văn tiên đã được đưa vào trồng trên diện tích lớn. Nhiều dự án trồng chè sạch, chè an toàn được triển khai, giúp bà con có cơ hội làm giàu.
Huyện đã xây dựng thành công thương hiệu gạo bao thai Định Hoá nổi tiếng thơm ngon với diện tích hơn 2.000ha, năng suất đạt 60 - 65 tạ/ha. Huyện đang tích cực tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa.
Cần hơn sự đầu tư
Muốn phát triển du lịch nhất thiết phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích, nâng cao đời sống nhân dân vùng ATK và tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị di tích ATK đến người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Khối lượng công việc như vậy rất cần nguồn lực đầu tư lớn, nếu chỉ trông chờ ngân sách nhà nước thì du lịch nói chung, du lịch về nguồn của Thái Nguyên, Tuyên Quang không thể “cất cánh” như mong muốn.
Do đó, tỉnh Thái Nguyên thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc đầu tư, tôn tạo di tích để phát triển du lịch hiệu quả.
Sở VH-TT&DL Thái Nguyên chú trọng công tác quy hoạch tổng thể giữa bảo tồn, tôn tạo di tích, đặc biệt là đầu tư các khu di tích trọng điểm gắn với phát triển du lịch; phối hợp chặt chẽ với địa phương để hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Việt Bắc, xây dựng ATK liên hoàn với các tỉnh giáp ranh; phát huy sức mạnh của các cấp, ngành, toàn dân phát triển du lịch;
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển du lịch văn hóa - sinh thái - sản phẩm đặc trưng; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa hoạt động văn hóa và phát triển du lịch, thu hút mọi nguồn đầu tư cho phát triển du lịch văn hóa của tỉnh, góp phần làm cho di tích trở thành gạch nối quan trọng của du lịch về nguồn.
Phú Xuân
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8