Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Hà Nội xây dựng chính sách an sinh đặc thù, vượt trội

Thanh An
Thanh An

Cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành các chính sách đặc thù, vượt trội, ưu tiên an sinh xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hà Nội xây dựng chính sách an sinh đặc thù, vượt trội - 1
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà (bên phải) và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạch Liên Hương (bên trái) trao quà tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập tốt (Ảnh: TTTĐ).

Công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt

Ngày 27/12, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, Hà Nội có trên 76.000 người có công hưởng trợ cấp hàng tháng; hơn 4 triệu người lao động; gần 200 người có công và hơn 8.000 đối tượng bảo trợ xã hội, người nghiện ma túy đang được nuôi dưỡng, quản lý trong các Trung tâm. 

Cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành các chính sách đặc thù, vượt trội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với công tác an sinh xã hội, trong đó vai trò của ngành LĐ-TB&XH thực hiện chính sách này là rất quan trọng.

Theo bà Bạch Liên Hương, năm 2024, mặc dù thành phố Hà Nội bộn bề công việc với nhiều sự kiện, nhiệm vụ lớn, như: kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô; xây dựng, triển khai Luật Thủ đô; tập trung khắc phục ảnh hưởng lớn từ cơn bão Yagi ... nhưng ngành LĐ-TB&XH Thủ đô đã tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.

Đến nay, tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều hoàn thành, một số nhiệm vụ vượt mức kế hoạch đề ra. Hà Nội giải quyết việc làm cho 225.858 lao động, đạt 136.9% kế hoạch giao trong năm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,54%, đạt chỉ tiêu <3% TP đề ra; số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp giảm gần 10% so với năm 2023.

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm đạt 74,25%, vượt 0,05 điểm % kế hoạch; trong đó có bằng cấp là 54,06%, vượt 0,06 điểm% so với năm 2023. Chỉ số đào tạo lao động luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước.

"Năm 2024, Hà Nội giảm 690 hộ nghèo, vượt gần 200% chỉ tiêu đề ra. Cuối năm 2024 Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố, chỉ tiêu về giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chia sẻ.

Dành nguồn lực thực hiện kịp thời các chính sách an sinh, xã hội

Điểm nổi bật của ngành LĐ-TB&XH Hà Nội phải kể đến là công tác chăm lo cho người có công, đến nay đảm bảo, 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa vượt 168,5% kế hoạch; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau...

Công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt được kết quả ấn tượng. Đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã mở tài khoản cho 94,78% đối tượng quản lý; trong đó đã thực hiện chi trả qua tài khoản đạt 97,6% số đối tượng có tài khoản. Cùng với đó, Hà Nội hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn thành phố đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tiếp tục chủ trì, tham mưu thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025". Tính đến cuối năm 2024, toàn thành phố Hà Nội đã có 26/26 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Với tinh thần Hà Nội cùng cả nước, với cả nước, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã trình thành phố hỗ trợ 12 tỉnh trên 400 tỷ đồng để xây sửa nhà cho người có công, hộ nghèo, phòng chống lụt bão, tặng quà, chăm lo an sinh xã hội.

“Các kết quả trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển, thu ngân sách thành phố đạt mức kỷ lục trên 500 nghìn tỷ đồng; đặc biệt công tác an sinh xã hội đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2024”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh.

Bước vào năm 2025, mặc dù đang tập trung thực hiện chủ trương lớn của Đảng, nhà nước về sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy nhưng ngành LĐ-TB&XH Thủ đô vẫn chủ động và tập trung cao độ triển khai nhiệm vụ của ngành.

 Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã mạnh dạn báo cáo UBND thành phố và đã được thành phố chấp thuận tạm ứng ngân sách thành phố để chi trả phần chênh lệch trợ cấp ưu đãi người có công theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7 của Chính phủ.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cũng cho biết, cùng với việc thực hiện các chính sách trong dịp Tết; năm 2025, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội xây dựng chương trình công tác, trong đó sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành 37 văn bản quan trọng, trong đó một số kế hoạch đã được UBND thành phố ban hành ngay từ tháng 12/2024.