Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Người cựu chiến binh nặng nghĩa tình

(Dân sinh) - Tham gia trên 40 trận đánh ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ trải dài khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, làm nghĩa vụ quốc tế bên nước bạn Lào, cùng đơn vị tiêu diệt hàng nghìn tên địch… thống nhất đất nước, ông lại nỗ lực đi tìm hài cốt đồng đội, chia sẻ phần lương hưu của mình tới 63 thân nhân gia đình liệt sĩ như một nén hương thơm gửi tới những người lính, đồng đội đã mãi mãi không trở về. Ông là Trung tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Văn Thọ.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT) nhân dân Phạm Văn Thọ sinh năm 1950, quê xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) - vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Người cựu chiến binh nặng nghĩa tình - Ảnh 1.

Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp với "phòng truyền thống" lưu giữ các loại huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen và rất nhiều hình ảnh tư liệu quý mà với ông mỗi bức ảnh là một câu chuyện về thành tích giết giặc, lập công thời chiến tranh, trận mạc....

Năm 1967, cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa ở địa phương, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thọ tham gia nhập ngũ vào Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 đóng tại Thanh Hóa khi mới 17 tuổi. Tháng 12/1967, ông được tăng cường đến Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4.

Nhớ lại ký ức thời bom đạn, ông Thọ kể: "Tôi còn nhớ như in, năm 1974, tại mặt trận Thượng Đức trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam), tôi được giao là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8. Đơn vị của tôi phụ trách hướng đánh chủ yếu căn cứ Thượng Đức, mà cao điểm là đánh Ba Khe, Hạt Sống, thuộc thôn Hà Nha 1, Hà Nha 2, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc nhằm bảo vệ căn cứ Thượng Đức và trục đường 14. Ngày 8/8/1974, địch đánh chiếm điểm chốt 126 của quân ta, dưới sự chỉ đạo của Trung đoàn, tôi đã trực tiếp chỉ huy 10 chiến sĩ tiền nhập vào khu vực cách địch khoảng 70m, cùng sự yểm trợ hỏa lực của Trung đoàn đã bắn trùm lên chốt địch, tiêu diệt 18 tên địch, thu giữ 15 khẩu súng, khôi phục lại trận địa của ta, góp phần cùng quân, dân huyện Đại Lộc bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức".

Người cựu chiến binh nặng nghĩa tình - Ảnh 2.

Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ kể về những thành tích giết giặc, lập công qua những bức ảnh được ông lưu giữ

Được biết, từ ngày nhập ngũ cho đến khi rời quân ngũ, ông đã tham gia đánh trên 40 trận, chỉ huy đơn vị tiêu diệt hàng nghìn tên địch, trực tiếp tiêu diệt 60 tên, bắt sống 36 tên giặc, thu 50 súng, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay lên thẳng, mở đầu cho phong trào thi đua bắn máy bay trong Trung đoàn...

Với thành tích trong quá trình chiến đấu và công tác, ngày 6/11/1978 ông Phạm Văn Thọ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ giải phóng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, tỉnh, huyện trao tặng. Thời điểm đó ông là Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng.

Năm 1990, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông Thọ tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Tĩnh Gia, rồi giữ chức Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tĩnh Gia.

Trở về cuộc sống đời thường, với bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ, ông không ngừng phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động địa phương. Khi kinh tế gia đình ổn định, không quên những đau thương mất mát của đồng đội, ông vẫn thường xuyên giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công ở địa phương, khi là cân đường, hộp sữa hỏi thăm người ốm đau, khi là ít vốn, giống cây trồng, vật nuôi để các gia đình chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông còn vận động các cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn quyên góp ủng hộ, giúp đỡ gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, bệnh nhân nghèo, học sinh nghèo; tổ chức thăm gia đình đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sĩ.

5 nhiệm kỳ trên cương vị Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tĩnh Gia, ông đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương hoàn thành 64 ngôi nhà tình nghĩa dành tặng gia đình chính sách. Ngoài ra, ông còn nhiều lần trực tiếp cùng thân nhân liệt sĩ trở lại chiến trường huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế); căn cứ Thượng Đức, ở phía tây tỉnh Quảng Nam (thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà cũ), cách TP. Đà Nẵng 40km để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... "Tôi vẫn tâm niệm, tôi may mắn hơn anh em rất nhiều, chiến tranh kết thúc, mình còn sống được cũng là nhờ anh em. Trong chiến tranh, đồng đội hy sinh, mình là người trực tiếp an táng, bây giờ thái bình, mình phải trở lại những nơi đó để tìm anh em...", ông Thọ tâm sự.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay,  đều đặn vào mỗi dịp 27/7, ông lại trích một phần lương hưu, phụ cấp thương tật dành tặng 63 gia đình liệt sĩ trong xã, mỗi gia đình 100.000 đồng. "Đây là những nén hương thơm tri ân đồng chí, đồng đội tôi, họ không được may mắn như tôi đã phải nằm lại nơi chiến trường. Việc này tôi còn sống sẽ còn làm đến hơi thở cuối cùng...", ông Thọ nói trong xúc động.