Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Trọn nghĩa vẹn tình với người có công

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tận tụy chăm sóc các thương binh, bệnh binh và thân nhân người có công như chính người thân của mình, đó không chỉ là trách nhiệm lớn lao mà còn là nghĩa tình sâu sắc của cán bộ Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

Vinh dự lớn, trách nhiệm cao

Gần 31 năm công tác trong ngành y, 14 năm làm việc tại trung tâm, trực tiếp chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công, bác sĩ Đỗ Đình Khương, Trưởng Khoa thương binh, bệnh binh nặng và thân nhân người có công cho biết, môi trường công tác trong ngành y đều phải phục vụ, chăm sóc bệnh nhân, đối tượng, nhưng việc chăm sóc các bác thương binh, bệnh binh ở trung tâm rất khác.

1.jpg
Bác sĩ Đỗ Đình Khương cùng cán bộ trung tâm kiểm tra sức khỏe cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công.

Theo bác sĩ Khương, hầu hết các thương binh, bệnh binh có thương tật và di chứng nặng. Ngoài những bệnh lý nền bởi tuổi cao sức yếu, các thương binh, bệnh binh đang điều trị tại khoa đều có bệnh lý như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…

Công tác chăm sóc, chế độ ăn và phác đồ điều trị mỗi người cũng khác nhau. Bằng tình cảm, trách nhiệm, lòng tri ân, nhân viên trung tâm luôn cố gắng hết sức để các bác cảm thấy thoải mái nhất.

“Nếu môi trường làm việc ở bệnh viện, bệnh nhân đông, y, bác sĩ tận tình, chu đáo thì ở trung tâm, ngoài việc tận tình phải hiểu rõ tâm tư, tình cảm, sức khỏe của từng bác để có chế độ ăn, điều trị bệnh lý phù hợp. Do tuổi tác các bác ngày càng cao, sức khỏe giảm dần lại bị ảnh hưởng bởi thương tật, bệnh tật do chiến tranh nên thường xuyên phát bệnh.

Có những bác khi phát bệnh lại chửi bới, cáu gắt nhưng mình vẫn phải chăm sóc chu đáo, niềm nở, rồi động viên, xoa dịu nỗi đau của các bác. Qua cơn bệnh, các bác rất hiểu tâm tư, tình cảm mà anh chị em trong khoa dành cho nên tình cảm cũng gắn kết hơn...

14 năm công tác tại trung tâm, không chỉ tôi mà tất cả cán bộ trong đơn vị đều thấy vinh dự, tự hào khi được chăm sóc, phục vụ các thương binh, bệnh binh, xem các bác như người thân trong gia đình.

Ngày nào cũng vậy, đều đặn 2 tiếng/lần, cán bộ lại đi thăm, kiểm tra, nắm bắt tình hình bệnh để xử lý kịp thời. Không kể ngày nghỉ, ngày lễ hay đêm khuya, hễ khi các bác phát bệnh nặng, phải đưa đi bệnh viện điều trị là anh chị em lại sẵn sàng lên đường…”, bác sĩ Khương cho biết.

2.jpg
Cán bộ trung tâm tận tình chăm sóc các thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công.

Gắn với nghề là bởi chữ tâm

Chăm sóc người bình thường đã khó, chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công với nhiều bệnh tật, tính khí khác thường còn khó hơn rất nhiều. Bằng cái tâm với nghề và để tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, các cán bộ tại trung tâm vẫn luôn nỗ lực hết mình để bù đắp những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha, anh.

Gắn bó với trung tâm được 6 năm, có bố mẹ nên duyên vợ chồng từ mối tình y tá - thương binh, chị Bùi Thị Thùy Anh tâm sự: “Mẹ em từng là y tá chăm sóc thương binh, bệnh binh tại trung tâm, trong đó có bố em. Em rất ngưỡng mộ công việc đặc biệt của mẹ. Ngày còn đi học, em rất muốn theo ngành y, tuy nhiên mẹ có tâm sự về đặc thù công việc.

Theo mẹ, học ngành khác cũng là lựa chọn tốt, vẫn có thể chăm sóc được bố mẹ, người thân nên em đã theo học ngành kinh tế. Sức khỏe của bố em theo thời gian ngày càng giảm sút, mỗi khi trái gió trở trời là vết thương cũ lại tái phát, mẹ cũng đã nghỉ hưu.

Em xin vào làm việc tại trung tâm để chăm sóc, phục vụ các bác thương binh, bệnh binh, những người như bố em đã hy sinh máu xương để đất nước được hòa bình như ngày hôm nay.

Em xác định việc chăm sóc, phục vụ người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự tri ân nên luôn tận tâm, tận tình chăm sóc. Em rất tự hào vì công việc mà mình đã lựa chọn…”. 

25 năm gắn bó tại trung tâm, bác sĩ Hoàng Thanh Quang, Trưởng Khoa chăm sóc, quản lý người bị nhiễm chất độc hóa học cho biết, thế hệ thứ 2 thân nhân của người có công bị nhiễm chất độc dioxin là những người bị tâm thần phân liệt, u mê, có diễn biến bệnh rất phức tạp.

Người thì bị liệt một chỗ, người bị rối loạn ngôn ngữ; rối loạn thần kinh hay tâm sinh lý thường xuyên khó chịu, bức xúc, kích động…

“Thân nhân của các đối tượng còn rất ít, đa phần đều nhờ vào cán bộ trung tâm chăm lo mọi việc. Thời gian nắng nóng, các đối tượng thường xuyên lên cơn rối loạn, động kinh. Hầu như các cán bộ, nhân viên ở khoa đều bị đối tượng hành hung, chửi bới.

Với những người bị liệt một chỗ, cán bộ phải phục vụ hàng ngày từ ăn uống, sinh hoạt đến vệ sinh cá nhân. Nếu không xuất phát từ tâm, việc chăm sóc, phục vụ đối tượng hết sức khó khăn.

Thấu hiểu điều đó, lãnh đạo trung tâm thường xuyên động viên cán bộ, nhân viên và anh chị em trong khoa rất hiểu, thông cảm và nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao…”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Ngôi nhà chung nặng nghĩa tình

6.jpg
Cán bộ khoa chăm sóc, quản lý người bị nhiễm chất độc hóa học chăm sóc đối tượng. Ảnh: Quách Tuấn.

Với tinh thần, trách nhiệm và lòng tri ân sâu sắc, kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa đã trở thành mái nhà chung ấm nghĩa tình của các thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công được chăm sóc, điều trị tại đây.

Cũng tại trung tâm, nhiều mối tình đẹp giữa cán bộ và thương binh, bệnh binh đã “ra hoa, kết trái”, có cuộc sống hạnh phúc.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc trung tâm cho biết, đơn vị đang quản lý, chăm sóc, điều trị cho 225 thương binh, bệnh binh và thân nhân người có công. Do tính chất đặc thù, chế độ làm việc 24/24 giờ, mọi sinh hoạt của đối tượng đều có nhân viên hỗ trợ, phục vụ tận nơi. 

Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, lãnh đạo trung tâm thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho cho thương, bệnh binh.

Sau những giây phút mệt mỏi, gồng mình chống chọi bệnh tật, những thương, bệnh binh lại vui vẻ, tự hào cất cao tiếng hát, mang lại niềm vui, tiếng cười cho đồng chí, đồng đội. Chính giai điệu hào hùng của những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi cuộc sống và người lao động đã khiến họ quên đi nỗi đau bệnh tật và cảm thấy tin tưởng, lạc quan hơn vào cuộc sống.

“Muốn làm tốt nhiệm vụ chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đòi hỏi mỗi cán bộ phải xuất phát từ cái tâm của mình, xem các đối tượng như người thân, đó là điều mà cán bộ chúng tôi luôn khắc ghi.

Trong ngôi nhà chung này, chúng tôi luôn mong muốn đem đến cho các bác thương binh, bệnh binh và thân nhân sự thoải mái, gần gũi, yêu thương để họ thấy như đang ở chính trong ngôi nhà của mình. Đó không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là vinh dự to lớn..”, ông Thư nhấn mạnh.

Quách Tuấn

Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ