Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

Nỗi đau của những vết thương không mảnh đạn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chiến tranh đã qua đi gần 50 năm nhưng vẫn còn đó những nỗi đau đối với con người, ngoài bom đạn còn có những căn bệnh do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra.

Chất độc da cam đã gây ra những bất hạnh, đau đớn giày vò thân thể, tinh thần các nạn nhân.

Nỗi đau bao giờ mới nguôi ngoai

Ngày 10/8/1961, đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Kể từ đó, dù 63 năm đã trôi qua, nhưng môi trường vẫn bị hủy hoại, hàng triệu người dân Việt Nam đến những thế hệ thứ 3, thứ 4 dù sinh ra trong hòa bình nhưng vẫn mang trong mình di chứng nặng nề của cuộc chiến.

Da cam 1.jpg
Nạn nhân da cam tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội.

Ở cái tuổi bên kia sườn dốc của cuộc đời (73 tuổi), đáng lẽ ông Nguyễn Văn Tạo (phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) sẽ được an nhàn hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng với người thương binh này thì bên cạnh nỗi khổ vì bệnh tật mỗi khi trái gió trở trời, còn nặng nỗi lo khi ông nhắm mắt xuôi tay 2 người con trai sẽ không ai chăm sóc. 

Tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, sau khi rời quân ngũ, ông Tạo trở về quê xây dựng gia đình. 2 năm sau, cậu con trai đầu lòng của ông bà chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, ông bà nhận ra con mình có lớn mà chẳng có khôn. Lần vợ ông mang thai thứ hai với biết bao hy vọng, nhưng rồi nỗi đau lại một lần nữa ập đến, khi người con trai bị não úng thủy, nằm liệt giường từ khi mới sinh.

Giờ đây, dù đã gần 50 tuổi nhưng anh Nguyễn Văn Luân - con trai đầu của ông Tạo dù bề ngoài mạnh khỏe nhưng lại không biết làm công việc gì, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Người con thứ 2 anh Nguyễn Văn Tuân, năm nay đã 46 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 80cm, người quắt queo, nằm liệt giường.

Cách đó không xa, ở tổ 8, phường Đồng Quang, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhuần, bà Lê Thanh Thực tuổi đều đã trên 80 vẫn đang hằng ngày chăm sóc con gái 40 tuổi bị não úng thủy do di chứng chất độc da cam. Ông Nhuần là nạn nhân chất độc da cam trực tiếp, thương binh hạng 3/4, không có sức lao động, bị suy tim, u não và suy đa khớp, nhiều năm nay không đi lại được. Con gái duy nhất của ông là chị Nguyễn Thị Thùy Nhung, năm nay 40 tuổi, bị bệnh não úng thủy, dù đã qua 6 lần phẫu thuật nhưng bệnh không thuyên giảm, lại bị hỏng một mắt, đi lại khó khăn.

Tương tự, ở xóm Vườn Thông, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, bà Hoàng Thị Hằng, 75 tuổi, canh cánh lo cho 3 người con bị di chứng da cam không ai chăm sóc khi mình nằm xuống. 3 người con của bà là: Bế Văn Cường (50 tuổi); Bế Thị Hồng (46 tuổi); Bế Thị Duyên (40 tuổi) bị điếc bẩm sinh, câm hoặc ngọng, thần kinh, không lao động được, đang hưởng chế độ da cam mức độ 1 và 2. Nhìn 3 đứa con ngây dại, bà Hằng đau khổ nói: “Năm nay 75 tuổi nhưng tôi vẫn là lao động chính trong nhà”. 

Giống như bao hoàn cảnh gia đình nhiễm chất độc da cam khác, gia đình ông Hà Quang Cẩm, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có 4 người con thì 2 người mắc bệnh tâm thần, bản thân ông bị nhiễm chất độc dioxin nên u, cục nổi khắp người.

Bà Liễu, vợ ông Cẩm tâm sự: “Mỗi lần nghĩ đến 2 đứa con tâm thần tôi chẳng còn lòng dạ nào. Bằng độ tuổi các cháu, bạn bè đã yên bề gia thất, con cái đuề huề, còn 2 đứa nó cứ thơ thẩn suốt ngày, chẳng nhận thức được gì. Dù đã gần 50 rồi nhưng bố mẹ vẫn phải chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ. Đã thế thỉnh thoảng chúng còn nổi khùng với bố, mẹ, bỏ nhà đi lang thang, đến bữa cũng không biết đường về”.

Chung tay xoa dịu những nỗi đau

Hiện Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó khoảng 3,2 triệu người là nạn nhân, sinh sống tại khắp các tỉnh, thành phố. 

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động quốc gia để hỗ trợ nạn nhân, trong đó có Kế hoạch Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc sau chiến tranh. Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức, cá nhân tích cực triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học và Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (gọi tắt là Hội) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan để tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách, chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam.

Chỉ tính riêng 5 năm (2018 - 2023), Hội Nạn nhân chất độc da cam các cấp đã vận động Quỹ đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp hội chi giúp đỡ nạn nhân gần 2.200 tỷ đồng; xây dựng hơn 4.840 căn nhà tình thương; tặng 24.830 suất học bổng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn lượt người.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân mang tính bền vững hơn, tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà; hỗ trợ học bổng cho con, cháu nạn nhân da cam; hỗ trợ vốn, giống cho sản xuất, chi cho xông hơi giải độc; thăm hỏi đột xuất... Ngoài việc tổ chức vận động trong nước, Hội đã vận động các tổ chức và cá nhân nước ngoài (như bà Masako Sakata, Nhật Bản; Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Cộng hòa Pháp...), giúp đỡ nạn nhân trong việc cấp học bổng, đỡ đầu, cấp vốn, xây mới, sửa chữa nhà và khám, chữa bệnh, tặng quà, tặng thiết bị cho nạn nhân khuyết tật.

Cũng trong giai đoạn vừa qua, các trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Trung ương hội và các tỉnh, thành phố được hỗ trợ kinh phí 37,5 tỷ đồng. Đến nay, Hội có 26 trung tâm theo 2 mô hình (17 trung tâm thuộc tỉnh, thành hội quản lý và xây dựng 9 công trình nuôi dưỡng nạn nhân tại trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh quản lý), nuôi dưỡng hơn 1.800 cháu. Nơi đây thực sự trở thành mái ấm của nạn nhân và cơ sở chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân là cựu chiến binh.

Từ năm 2023, Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” đã được triển khai tại 11 địa phương. Trong đó tập trung mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật; cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, bảo đảm hòa nhập xã hội.

Nhờ những chủ trương, chính sách sát thực tiễn của Đảng, Nhà nước, cùng sự chung tay của cộng đồng đã và đang đem lại sức mạnh và niềm tin, giúp nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Síu

Báo Lao động và Xã hội số 96

Tin liên quan
Người anh hùng trong lòng tôi

Người anh hùng trong lòng tôi

Khi viết những dòng hồi tưởng này, tôi đang là một Đảng viên dự bị, con gái của cựu chiến binh Đ.N.D vừa mất (năm 2023), người đã thắp lên ngọn lửa...