Trong lần tái bản này, cuốn sách được bổ sung phụ lục là lời kể của các cựu tù Côn Đảo và một số cột mốc tiêu biểu trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Tác phẩm “Người cập rằng hầm xay lúa” được nhà văn Nguyễn Công Hoan viết năm 1959 và sửa lại năm 1976. Minh họa của họa sĩ Mai Long cho tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên năm 1978.
Việc tái bản cuốn sách này sẽ góp phần giúp độc giả hiểu thêm về giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, hơn 15 năm đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo (1930 - 1945).
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp biến nhà tù Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” hòng đàn áp những người Việt Nam yêu nước. Thế nhưng, nơi đây lại trở thành “Trường học Cộng sản” - nơi tôi luyện phẩm chất, ý chí của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng.
Tại hầm xay lúa tối tăm của nhà tù Côn Đảo, một người chiến sĩ cộng sản không khuất phục trước đòn roi tra tấn của cai ngục Pháp. Dù bị giao làm “cập rằng” (tù nhân quản lý tù nhân khác) - vị trí hiểm nguy không khác gì “đi vào chỗ chết” bởi “họ bị anh em oán thù” nhưng trong hoàn cảnh đó, người cập rằng ấy với lòng nhân hậu đã cảm hóa những người tù khác.
“Một nơi địa ngục nhất trong cái địa ngục trần gian này biến thành một nơi có đầy tính nhân đạo”. Người ấy chính là đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước đầu tiên của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cũng là Chủ tịch danh dự của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam từ ngày Ủy ban được thành lập.
Trong hầm xay lúa tàn khốc đó, làm ngay cái “chức” cập rằng đáng sợ đó (ngay khi cập rằng Bảy Tốt vừa bị hai tên đàn em đập bể đầu) để làm mồi nhử cho bọn tù hung hãn liều mạng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Cái âm mưu đẩy đồng chí Tôn Đức Thắng vào chỗ chết của bọn cai ngục nói riêng và thực dân Pháp nói chung đã bị phá sản.
Bằng sự chân tình, thân ái, sự cởi mở hòa đồng, sự khoan dung độ lượng cùng cái chất hào sảng rất Nam bộ; đặc biệt là ý thức giác ngộ quần chúng bằng chính tư tưởng chính trị của mình, người cập rằng hầm xay lúa Tôn Đức Thắng đã cảm hóa sâu sắc, hoàn toàn thuyết phục tù nhân.
Người cập rằng đó rất hiền hòa, sẵn sàng xốc vai vào làm với mọi người, phân công lao động hợp lý cho tù nhân đỡ đần nhau, người mạnh chăm sóc kẻ ốm đau, bệnh tật. Họ tích lũy lương thực, học chữ để viết thư thăm nhà… và học bài học cuộc sống ngay trong cái chết.
Nhóm tù chính trị cộng sản trở thành hạt nhân đoàn kết toàn thể tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm. Họ tích cực giáo dục cảm hóa tù thường. Hội cứu tế tù nhân được tổ chức ngay trong hầm xay lúa. Những người ốm đau được săn sóc chu đáo.
Buổi trưa khi bọn gác ngục đã về hết, hội tù tổ chức xúc gạo nấu ăn thêm để bảo đảm sức khỏe; buổi tối tổ chức học văn hóa, nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước. Không khí đoàn kết học tập và giúp đỡ lẫn nhau dần thay thế cho thù hằn chia rẽ…
Đồng chí Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về đức hy sinh, thương yêu những người cùng cảnh ngộ. Dù bị kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn để bức hại, người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng vẫn hiên ngang đối mặt và khéo léo vượt qua. với những kẻ côn đồ, lưu manh, Bác Tôn kiên trì cảm hóa, giác ngộ họ.
Tác giả khắc họa thành công hình tượng Bác Tôn đầy nhân hậu, luôn bênh vực người yếu, dũng cảm chống lại bất công, trừng trị kẻ ác.
Minh Vũ
Báo Lao động và Xã hội số 99