Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Thừa Thiên Huế chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua bưu điện, đẩy mạnh giải pháp không dùng tiền mặt

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh qua hệ thống Bưu điện và đẩy mạnh giải pháp không dùng tiền mặt.

Thừa Thiên Huế chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua bưu điện, đẩy mạnh giải pháp không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Thăm khám sức khoẻ cho đối tượng NCC với cách mạng tại Thừa Thiên Huế

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đối tượng NCC được tiếp cận, sử dụng và được chi trả trợ cấp thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, việc này cũng giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp hiện nay; ngày càng hoàn thiện tốt hơn việc chi trả trợ cấp, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách đối với NCC với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công, xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch.

Để triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng qua hệ thống Bưu điện, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng Đề án, phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả, đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa phương thức chi trả (bằng tiền mặt, qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số ...) đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã. Đối với các trường hợp đối tượng đặc biệt (đau ốm, già yếu không có người để ủy quyền, không thể sử dụng được điện thoại…) Bưu điện có trách nhiệm chi trả tại nhà cho đối tượng.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, NCC, gia đình người có công và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng  qua hệ thống Bưu điện. Xây dựng tài liệu và tập huấn hướng dẫn về quy trình chi trả qua hệ thống Bưu điện đẩy mạnh không sử dụng tiền mặt; các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị cho việc mở tài khoản thanh toán cho đối tượng đủ điều kiện.

Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức đăng ký phương thức chi trả và rà soát/cập nhật bổ sung thông tin (CMND/CCCD, số điện thoại). Tổ chức cho đối tượng, người được ủy quyền đăng ký hình thức chi trả, đăng ký thông tin cá nhân, số điện thoại di động, cung cấp giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để mở tài khoản...bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn có đủ giấy tờ để mở tài khoản cho mình hoặc cho người được ủy quyền.

Mặt khác, sẽ rà soát, đối chiếu, phân loại danh sách đối tượng trả tiền mặt, đối tượng đảm bảo đủ điều kiện mở tài khoản, danh sách đối tượng thiếu giấy tờ có liên quan cần bổ sung; danh sách người được ủy quyền đủ điều kiện mở tài khoản, danh sách người được ủy quyền thiếu giấy tờ có liên quan để hướng dẫn bổ sung. Cấp mới, cấp đổi giấy Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho đối tượng thụ hưởng, người được ủy quyền trong diện được cấp chưa có Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để đảm bảo đủ điều kiện để mở tài khoản.

Việc mở tài khoản thanh toán cho đối tượng đủ điều kiện, sẽ do cơ quan Bưu điện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện.

Hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương chuyển danh sách NCC dưới dạng điện tử đến Bưu điện cùng cấp để thực hiện chi trả chế độ ưu đãi vào tài khoản ngân hàng, tài khoản số của đối tượng. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch bằng phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt thì thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng.

Được biết hiện nay, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho hơn 18.000 NCC trên địa bàn với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng và thực hiện trợ cấp một lần cho những đối tượng trong diện được hưởng.