Tham luận tại tọa đàm về "Nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN)", đại diện Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nêu lên vấn đề về "Đổi mới, phát triển GDNN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Theo đó tham luận nhấn mạnh, trước những cơ hội và thách thức mà thời đại đang đặt ra, GDNN nước nhà cần đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
5 xu hướng phát triển
Xu hướng phát triển của GDNN trong thời gian tới được các nhà lãnh đạo hình dung như sau:
Xu hướng đầu tiên là phát triển GDNN phải tuân thủ theo các quy định của Đảng, Nhà nước Việt Nam; đặc biệt là các nhóm giải pháp, giải pháp trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo nghề nói chung và cho từng đối tượng cho thanh niên; xây dựng đồng bộ 8 chính sách đã được quy định tại Luật Thanh niên, trong đó ưu tiên việc phổ cập nghề cho thanh niên.
Xu hướng thứ hai là hình thức GDNN được đa dạng hóa và mở rộng ra cả ở cấp trung học đang là một ưu tiên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường kỹ năng cho nguồn lao động.
Do hiện nay nhu cầu về năng suất và cơ hội việc làm đang thúc đẩy xu hướng mở rộng GDNN ngay từ cấp trung học, nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để họ có thể trực tiếp tham gia vào thị trường lao động.
Đây là một xu hướng phát triển mạnh mẽ, được thấy rõ ở Việt Nam khi chính phủ khuyến khích học sinh tham gia GDNN ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Xu hướng thứ ba là nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở GDNN thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá trong các cơ sở GDNN nhằm mục tiêu phát triển kỹ năng năng nghề cho người lao động, thích ứng với sự biến động nhanh chóng trong thế giới việc làm;
Xây dựng chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; Xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn của từng nghành, nghề;
Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học;
Thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Xu hướng thứ tư là các cơ sở GDNN cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, bởi chỉ có doanh nghiệp mới định hướng đúng nhất về công nghệ, yêu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với đội ngũ lao động để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Để làm được điều này, cần xây dựng các hội đồng kỹ năng ngành với sự tham gia của doanh nghiệp nhằm hoạch định chính sách vĩ mô, dự báo lao động, việc làm, xác định các tiêu chuẩn ngành… Doanh nghiệp phải tham gia mạnh mẽ vào việc phát triển chương trình, thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo và đào tạo gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm.
Xu hướng thứ năm là phân luồng và liên thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong hệ thống GDNN.
Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở là một xu hướng đang được nhiều quốc gia áp dụng góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và áp lực cho xã hội, cũng như tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Do đó GDNN được đa dạng hóa các loại hình và hình thức GDNN để thu hút học sinh tham gia.
Động lực phát triển của GDNN
Hiện nay, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN.
Tổng số cơ sở GDNN ngoài công lập là 684 cơ sở (chiếm 36,2%).
Tuyển sinh năm 2023 ước đạt 2.295.000 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.765.000 người.
Hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ phù hợp với xu hướng phát triển của GDNN trên thế giới.
Để tăng cường kỹ năng nghề cho lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng Cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đang tích cực chỉ đạo triển khai, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, hệ thống GDNN cũng quyết liệt, chủ động triển khai các hoạt động trọng tâm, đột phá của Chiến lược phát triển GDNN và quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo lộ trình;
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế;
Nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - GDNN Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.