Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Bấp bênh lao động nữ di cư: Nỗi vất vả chốn đô thành (Kỳ I)

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Hầu hết lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành phố làm những công việc ở khu vực phi chính thức với mức thu nhập thấp.

Lao động nữ di cư phải thuê nhà trọ thiếu tiện nghi, không tham gia BHXH, BHYT và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Lao động nữ di cư đa số vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải rời xa quê hương ra thành phố kiếm sống, họ mang theo những hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.

Thế nhưng, cuộc sống nơi đô thành không phải lúc nào cũng như mơ. Đằng sau những gánh nặng mưu sinh, những giọt mồ hôi và tiếng thở dài mệt mỏi là cả hành trình đầy chông gai mà những người phụ nữ này phải đối mặt hàng ngày.

Bấp bênh lao động nữ di cư: Nỗi vất vả chốn đô thành (Kỳ I) - 1
Chị Trần Thị Hương rong ruổi mưu sinh trên từng con phố của Thủ đô (Ảnh: Thùy Hương).

Nhá nhem tối, tiết trời đã vào thu se lạnh, chúng tôi theo chị Ngân Thị Lâm (SN 1978, quê Con Cuông, Nghệ An), công nhân Công ty bao bì Hoa Việt, khu công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) về khu nhà trọ.

Vừa mở khóa cửa, chị Lâm với tay bật bóng điện. Dưới ánh sáng lờ mờ, chị vơ vội đống quần áo để ngổn ngang rồi mời chúng tôi ngồi tạm trên giường. Căn phòng chật chội, ẩm thấp chỉ khoảng 5m2, kê vừa đủ chiếc giường cùng vài đồ dùng cá nhân và chiếc bếp gas mini đặt sát cửa ra vào.

“Hôm nay không tăng ca nên tôi về sớm. Tôi thuê căn phòng này 600.000 đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước để lấy chỗ nghỉ lưng. Hằng ngày, tôi ra khỏi nhà lúc 7h sáng, trở về nhà 19h, tăng ca thì sau 21h mới về. Để tiết kiệm, tôi chỉ ăn bữa sáng ở nhà, còn ăn ở công ty hai bữa cơm với giá 22.000 đồng/suất”, chị Lâm nói.

Chị Lâm cho biết xa quê từ năm 2017, làm công nhân điện tử ở Bắc Ninh, Bắc Giang, sau đó về làm ở Công ty bao bì Hoa Việt đến nay được hơn 3 năm. Lương của chị mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, nếu tăng ca cũng xấp xỉ 10 triệu đồng nhưng không phải lúc nào công ty cũng có việc để làm thêm. Chị có hai con gái, con lớn đã xây dựng gia đình, con nhỏ 11 tuổi, chồng chị đã mất 8 năm nay. 

“Một mình nuôi con ăn học, kinh tế rất khó khăn, ở quê không làm gì ra tiền. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định gửi con cho bà ngoại 70 tuổi để đi làm công nhân. Nhớ thương con, lo vì con đang độ tuổi ẩm ương lại thiếu vắng sự quan tâm, gần gũi của mẹ nên tối nào tôi cũng gọi điện về hỏi han chuyện học, động viên và nhắc nhở.

Mới đây, con đi học bị ngã xe đạp xây xước nhẹ cũng khiến tôi lo lắng, bồn chồn đến mất ngủ. Mẹ tôi tuổi đã cao lại nhiều bệnh tật nhưng vẫn phải trông nom, cơm nước cho cháu, càng nghĩ tôi càng thêm đau lòng, xót xa”, chị Lâm buồn rầu chia sẻ.

Chị Lữ Thị Thiên Lý (SN 1992, ở Tương Dương, Nghệ An) cho biết, hai vợ chồng chị đều làm công nhân ở Công ty bao bì Hoa Việt. Ở quê, anh chị không có ruộng nương, làm ra đồng tiền rất khó khăn, trong khi hai con đang độ tuổi ăn học nên vợ chồng chị gửi con cho bà ngoại chăm sóc. 

“Vợ chồng tôi thuê căn phòng nhỏ ở gần công ty với giá 1 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Tuy chỗ ở chật chội nhưng đến hè, chúng tôi vẫn đón hai con ra ở cùng. Là cha mẹ, không ai nỡ xa con, nhất là khi các con còn nhỏ, rất cần người chăm sóc, kèm cặp chuyện học hành.

Mẹ tôi ở quê già yếu, bệnh tật. Vì muốn có cuộc sống tốt hơn, chúng tôi đành nén nỗi nhớ con, xa nhà mà cố gắng làm việc, chỉ mong sớm tích góp được một ít để về quê”, chị Lý bộc bạch.

Chị Lý cho biết, để có tiền hằng tháng gửi về nuôi con, mua thuốc men cho mẹ, mỗi ngày, vợ chồng chị đều làm tăng ca, sớm thì 19h, muộn thì 21 - 22h mới về. Thu nhập của hai vợ chồng cũng được hơn 18 triệu đồng/tháng.

Gần đây, công ty gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, lượng đơn hàng giảm sút nên thời gian tăng ca bị cắt. Với đồng lương công nhân eo hẹp, hai vợ chồng dành gần 70% thu nhập để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày và gửi về quê cho bà chăm con, số còn lại để dành tiết kiệm.

Ra Hà Nội hơn chục năm và gắn bó với mảnh đất này suốt cả tuổi trẻ để mưu sinh, hằng ngày chị Trần Thị Hương (46 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định) rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi khắp ngõ ngách của Hà Nội từ sáng sớm đến tối muộn để thu mua sắt vụn và đồ phế thải.

“Cuộc sống ở quê không đủ ăn, ruộng đất thì ít mà có tới 4 người con. Chồng bị bệnh dạ dày, đau ốm thường xuyên, mất sức lao động nên tôi phải ra Hà Nội để kiếm thêm thu nhập”, chị Hương chia sẻ.

Chị Hương làm việc rất cực nhọc nhưng mỗi tháng chỉ gửi về cho gia đình được 5 triệu đồng sau khi trừ tiền thuê trọ và điện nước, ăn uống. “Công việc khá vất vả, phải di chuyển nhiều, nhất là những ngày mưa bão hay trời nắng thì càng vất vả.

Khi thu mua được sắt vụn hay đồ phế thải, tôi phải lấy búa đập cho nhỏ lại, đỡ cồng kềnh nên không tránh khỏi việc hít phải bụi bẩn và ô nhiễm. Biết là vậy, tôi vẫn phải cố gắng mưu sinh vì bản thân và gia đình”, chị Hương chia sẻ.

Kỳ II: Giải pháp nào hỗ trợ nữ lao động di cư?

Thuỳ Hương - Cù Hoà

Báo Lao động và Xã hội số 125