Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong hơn 3,7 triệu công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động nữ chiếm khoảng 60%, chủ yếu ở độ tuổi 25-40, đặt ra nhu cầu lớn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Nhiều bất cập trong chăm sóc sức khỏe lao động nữ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình sức khỏe sinh sản của người dân đã có những chuyển biến tích cực.

Các chỉ số cơ bản về sức khỏe sinh sản như tỷ số tử vong mẹ; tỷ lệ chăm sóc trước, trong và sau sinh; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã được cải thiện đáng kể.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ - 1
Khám sức khỏe cho nữ công nhân.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phát triển rộng rãi ở tất cả các cấp. Người dân có thể tiếp cận và nhận được các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản từ thông tin, giáo dục, truyền thông đến dịch vụ kỹ thuật lâm sàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho một bộ phận không nhỏ là lao động trẻ đến sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều bất cập và hạn chế.

Theo Bộ Y tế, hệ thống y tế tại địa phương chưa đáp ứng được sự gia tăng về số lượng công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chủ yếu tập trung vào các hoạt động như tình dục an toàn, làm mẹ an toàn, kế hoạch hóa gia đình mà chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu khác của công nhân lao động như: Sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư sinh sản;

Dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; dự phòng, phát hiện và điều trị vô sinh, hiếm muộn; tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên.

Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản sẵn có tại địa phương chưa phù hợp với thời gian sinh hoạt và làm việc của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như địa điểm cung cấp dịch vụ xa khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thời gian cung cấp dịch vụ theo giờ hành chính, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Lao động nữ sẽ được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong năm

Ths, BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024 - 2030” vừa được Bộ Y tế phê duyệt.

Đề án hướng tới mục tiêu “Nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng mắc các bệnh về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp”.

Nội dung hoạt động của đề án sẽ tập trung vào các giải pháp: Tăng cường truyền thông, vận động chính sách; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động;

Truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng mô hình điểm và nhân rộng.

 “Bộ Y tế đã ban hành các quy định về danh mục khám phụ khoa cho lao động nữ. Theo đó, công nhân lao động nữ được tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần trong năm. Khi khám sức khỏe, họ được sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung…”, ông Đinh Anh Tuấn cho biết thêm.

Bộ Y tế giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em là đơn vị đầu mối phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, hội nghề nghiệp liên quan xây dựng chương trình can thiệp, các mô hình điểm về tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân;

Đồng thời, điều phối hoạt động giữa các ngành, đơn vị, chương trình, dự án, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nhằm tăng cường hiệu quả và tránh trùng lắp.

Tại địa phương, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố (hoặc đơn vị tương đương) làm đầu mối điều phối hoạt động giữa các bên liên quan để tổ chức thực hiện các hoạt động vận động nguồn lực, xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố, đảm bảo hiệu quả và tránh trùng lắp.

Đồng thời, giao các đơn vị phối hợp với Liên đoàn Lao động các cấp, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất tuyên truyền vận động, hướng dẫn đại diện người sử dụng lao động và đại diện tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, xây dựng chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân trong Thỏa ước lao động tập thể.

Duy Anh

Báo Lao động và Xã hội số 157