Theo các chuyên gia về lao động, Việt Nam đang có lợi thế hơn nhiều nước trong thu hút FDI. Tuy nhiên, nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng nguồn nhân lực, thậm chí có nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Ông Đỗ Đức Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt cho biết, hiện nay tại Việt Nam, số lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam còn rất hạn chế.
Một số ngành đang thiếu hụt nhân sự như công nghệ thông tin, chip, bán dẫn, điện tử viễn thông...
“Trong những tháng cuối năm 2023, chúng tôi được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng tuyển dụng hàng nghìn lao động có trình độ nhưng chỉ đáp ứng được 20 - 30%”, ông Trí cho biết.
Theo ông Trí, nguyên nhân của thực trạng trên là do lao động Việt Nam còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Để bù đắp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp nước ngoài của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã mang lao động từ nước họ sang, đây là sự lãng phí cơ hội lớn đối với lao động Việt Nam.
Về điều này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng từng nhiều lần thừa nhận, mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện hàng năm, song trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
“Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong thị trường lao động biến chuyển không ngừng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít nước ASEAN duy trì tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp.
“Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Các chuyên gia về lao động cho rằng, nguồn cung nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Đơn cử ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam mới có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn với chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, trong khi nhu cầu nhân lực ngành này đến năm 2030 là 50.000 người có trình độ từ đại học trở lên.
Đây được coi là “điểm nghẽn” lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho rằng cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp.
Về đào tạo, cần xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thực hiện chức năng trung tâm vùng, quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần thành lập hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước để dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Mai Thiên Ân, Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cho rằng, ngoài vấn đề kỹ năng, cần rèn luyện cho người lao động tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động.
“Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cao về chuyên môn hóa và tuân thủ quy trình đối với người lao động trong quá trình sản xuất”, ông Ân nói.
Bảo Châu
Báo Lao động Xã hội số 65