Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Chọn học nghề vì dễ có việc làm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Yếu tố “dễ có việc làm” là một trong những nguyên nhân học nghề được thế hệ 4.0 lựa chọn ngày càng nhiều.

Kỳ 1: Đạt điểm tốt nghiệp THPT cao vẫn chọn học nghề

Thời gian gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp học liên thông đại học ngày càng ít, điều đó chứng tỏ học sinh tốt nghiệp trường nghề có việc làm ngay nên không học liên thông để “có bằng đại học kiếm việc cho dễ” như trước.

Doanh nghiệp đã thay đổi cách tuyển dụng, họ tư duy “bạn làm được gì” chứ không phải “bạn có bằng gì”.

2hs.jpg
Hoàng Tố Vân (23,4 điểm) và Hoàng Ngọc Lan (23,5 điểm) không xét tuyển đại học mà chọn học nghề tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024, hàng trăm thí sinh đã nộp hồ sơ theo phương thức xét tuyển tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - HHT (gần 20% số đó có tổng điểm xét tuyển theo từng tổ hợp đạt từ 20 điểm trở lên).

 Em Dương Hải Nam (quê huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đạt 26,75 điểm (Khối C, tổ hợp xét tuyển C20) đã từ chối xét tuyển đại học và làm thủ tục nhập học ngành kỹ thuật máy lạnh - điều hòa không khí (Khoa Điện - Điện tử) Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Em là thủ khoa đầu vào của Khóa 15 (hệ cao đẳng chính quy).

“Em chọn học cao đẳng thực hành tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội vì chi phí học tập thấp. Ngành em đăng ký được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho bố mẹ và ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng ngay…”, Hải Nam cho biết.

Đạt 25,75 điểm (Khối A, tổ hợp xét tuyển A09) và 25,3 điểm (Khối C, tổ hợp xét tuyển C19) tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024, nữ sinh Đậu Thị Như Quỳnh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) từng chứng kiến quá trình học của chị gái tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nên quyết định chọn học thiết kế đồ họa (Khoa Công nghệ thông tin) và trở thành tân sinh viên K15.

“Trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp không quá quan tâm đến bằng cấp của ứng viên. Thay vào đó, họ muốn tuyển người có thể làm việc được ngay, có kỹ năng tay nghề thành thạo và hạn chế tối đa thời gian đào tạo lại…”, Như Quỳnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, rất nhiều thí sinh đạt điểm cao đã gia nhập ngôi nhà chung HHT: Trần Đức Hùng (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) 26 điểm (Khối C, tổ hợp xét tuyển C19); Nguyễn Thị Hồng (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) 24,8 điểm đều là những tân sinh viên nghề điện tử công nghiệp (Khoa Điện - Điện tử);

Nguyễn Xuân Doanh 23 điểm (Khối C, tổ hợp xét tuyển C20), tân sinh viên nghề công nghệ ô tô; Nguyễn Quốc Huy 23 điểm (Khối C, tổ hợp xét tuyển C14), tân sinh viên nghề cắt gọt kim loại (Khoa Cơ khí)… Hay Hoàng Tố Vân (23,4 điểm) và Hoàng Ngọc Lan (23,5 điểm) đến từ Yên Bái cũng chọn học nghề tại HHT.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, trường triển khai đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng việc làm cho sinh viên.

Cụ thể, ngay từ khi thí sinh quan tâm tìm hiểu, nhà trường sẽ tư vấn kỹ để các em lựa chọn ngành nghề phù hợp, xây dựng mục tiêu học tập, đăng ký nhu cầu việc làm trong khi học và sau tốt nghiệp. 

Các em có nhu cầu muốn đi làm việc tại nước ngoài sẽ được tư vấn để xây dựng mục tiêu học tập. Nhà trường kết nối với đối tác ở nước ngoài để các em lựa chọn nghề và học ngoại ngữ… Từ năm học này, nhà trường xây dựng chương trình cho sinh viên năm thứ 2 đi thực tập sinh tại Nhật Bản 1 năm.

Đây là giải pháp mới giúp sinh viên được học tập kiến thức, kỹ năng, thái độ, văn hóa trong môi trường doanh nghiệp ở nước ngoài. Các em sẽ trở về nước học năm thứ 3 tại trường để tốt nghiệp và như vậy sẽ có nhiều lợi thế trong ứng tuyển vào doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp khác”, thầy Đồng Văn Ngọc cho biết thêm.

Khi thí sinh và phụ huynh nắm rõ những lợi thế của học nghề sẽ thay đổi nhận thức và tâm lý. Thứ nhất, thời gian học nghề ngắn. Thứ hai, người học nhanh chóng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp do chương trình học ở các trường nghề được thiết kế với thời gian thực hành chiếm tới 70%.

Đặc biệt, càng ngày nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp trường nghề có tay nghề vững, có khả năng hội nhập trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa, thu nhập cao và có thể tự tạo việc làm.

“Sản phẩm” đầu ra chất lượng, được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao chính là yếu tố khẳng định vị thế và thương hiệu của trường nghề, tạo niềm tin cho học sinh và phụ huynh.

Nhằm “hút” đầu vào chất lượng, nhiều trường nghề đã tặng học bổng khuyến khích học tập dành cho thí sinh có điểm thi cao tại kỳ thi THPT Quốc gia (xét theo từng tổ hợp môn).

Một số chính sách, học bổng mà các trường áp dụng như: Khuyến học, học bổng đầu vào cho học sinh khá, giỏi đăng ký nhập học; hỗ trợ một phần hoặc toàn phần học phí; miễn/giảm học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ...

Giáo dục nghề nghiệp là bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ… Đây chính là cơ hội mà người học cần nắm bắt để hiện thực hóa giấc mơ có việc làm tốt ngay từ thời điểm có tính chất bước ngoặt - chọn nghề.

Phương Minh (Còn nữa)

Báo Lao động và Xã hội số 100