Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

“Lối rẽ” cho học sinh trượt lớp 10 công lập

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 hệ công lập năm học 2024 - 2025. Bên cạnh niềm vui hân hoan của học sinh đạt số điểm cao, không ít em buồn vì cánh cổng trường công đã khép lại.

Tuy nhiên, nhiều “lối rẽ” khác để các em chọn lựa cho con đường học tập của mình, cánh cửa này đóng thì vẫn còn nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra.

Tìm chỗ học khi trượt hết nguyện vọng

Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, con gái chị Thu Hiền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khóc lóc, buồn rầu. Chị Hiền cho biết, trong kỳ thi vào 10, con chọn nguyện vọng (NV) 1 là Trường THPT Yên Hòa và THPT Cầu Giấy.

Tuy nhiên, con trượt hết các NV vì điểm thi được 37,5 điểm, trong khi điểm chuẩn của THPT Yên Hòa là 42,5 điểm, THPT Cầu Giấy 40 điểm.

TS (1).jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 tại Hà Nội.

“Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, kinh tế khó khăn nên muốn con đỗ được vào trường công lập để đỡ nặng gánh. Con buồn, bố mẹ cũng buồn nhưng không dám bộc lộ ra vì cháu khóc suốt. Tôi đã đến trường tư trên địa bàn quận để tìm hiểu nhưng đầu vào đã phải đóng 15 triệu đồng.

Với số tiền này, gia đình tôi không thể lo cho con theo học được. Con nằm trong top học tốt của lớp, thi thử lúc nào cũng trên 40 điểm, vậy mà đến lúc thi thật lại không tốt. Gia đình tôi đang rất đau đầu tìm trường phù hợp cho con”, chị Hiền tâm sự.

Tương tự, chị Kiều Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, con trượt tất cả các NV công lập nên gia đình chỉ còn lựa chọn cho con học trường tư thục. Hiện, một số trường tư đã nhận đủ hồ sơ. Trong khi đó, nhiều trường tư sử dụng điểm thi vào lớp 10 để xét tuyển lấy mức điểm chuẩn khá cao.

Tại TPHCM, ngay sau khi Sở GD&ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10, nhiều gia đình đã chạy đôn chạy đáo tìm chỗ học cho con sau khi rớt cả 3 NV. Có con học tại trường THCS ở quận 3 nhưng trong kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua, con chị Tuyến trượt cả 3 NV.

Vì học lực của con khá giỏi suốt cả 4 năm học THCS nên chị Tuyến không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được kết quả thi của con.

"Trường ngoài công lập cũng không còn nhiều lựa chọn trong thời điểm này. Một số trường có tên tuổi cũng rất kén trong tuyển sinh, như yêu cầu học lực cả 4 năm đều phải khá trở lên, hạnh kiểm tốt. Có trường đã đóng danh sách tuyển sinh từ tháng 6 do nhận học sinh từ các tỉnh nên không nhận thêm nữa", chị Tuyến chia sẻ.

Ngọc Tùng học lớp 9 tại TP Thủ Đức (TPHCM) trượt cả 3 NV vào lớp 10 công lập năm nay. "Dù gia đình không tạo áp lực gì nhưng không vào được lớp 10 công lập là điều khiến em day dứt. Hiện nay, em muốn tìm một trường tư thục để học tiếp lớp 10, em không muốn học các hệ khác", Tùng bày tỏ.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, từ mấy tháng trước, gia đình đã đặt chỗ vào trường tư để đề phòng với mức phí từ 5 đến 6 triệu đồng/trường bởi chờ đến lúc thi xong mới đăng ký thì sẽ hết suất. 

Phía trước vẫn còn nhiều lựa chọn

Thực tế, hàng năm sau kỳ thi vào lớp 10, không ít học sinh trượt các trường THPT công lập sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng không biết con đường tiếp theo sẽ thế nào. 

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, nếu không vào lớp 10 công lập, các em còn nhiều lựa chọn như học tại hệ thống ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên... Các trường này hoàn toàn đủ khả năng đào tạo.

“Việc không may trượt lớp 10 công lập là bình thường. Mỗi học sinh cần chuẩn bị tâm lý. Nếu kết quả thi không như mong muốn, các em hãy tìm hiểu các trường ngoài công lập, mô hình 9+ để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ. Việc của các em là tự tin và làm thật tốt trong khả năng của mình”, thầy Cường nói.

Lâu nay, nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn chưa có thiện cảm với việc học nghề, đa số đều có NV vào lớp 10 công lập. Theo một số chuyên gia, việc học nghề là một trong những lựa chọn tốt với thí sinh.

Quỳnh Trang (cựu sinh viên Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Hồi thi vào lớp 10, em bị trượt. Do có chút năng khiếu về thẩm mỹ và yêu thích làm đẹp từ nhỏ nên em đã nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, ngành Chăm sóc sắc đẹp. Đến năm thứ 2, em đã có cơ hội trải nghiệm và đi làm thực tế. Nghĩ lại hồi đó quyết định đăng ký vào trường nghề của em là vô cùng đúng đắn”.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội tư vấn, phụ huynh và học sinh có thể tìm hiểu mô hình 9+. Ưu điểm của mô hình này là thời gian học ngắn. Cùng tốt nghiệp lớp 9, một em học THPT công lập, một em học nghề trong trường cao đẳng thì sau 3 năm, cả hai em cùng nhận bằng tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, học sinh tốt nghiệp trường nghề có thêm 1 bằng trung cấp nghề. Tính về kinh tế và thời gian học đều lợi hơn. “Hiện, một số trường đào tạo nghề có chính sách cam kết việc làm. Nhiều em được doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn học phí và sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay”, TS Đồng Văn Ngọc cho hay.

Lãnh đạo các trường trung cấp, cao đẳng nhận định, năm nay xu hướng đăng ký xét tuyển của phụ huynh và học sinh thực tế hơn. Khi cảm thấy con không thể thi đủ điểm vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh đã tìm đến trường nghề.

Vì thế, từ cách đây một tháng, ngay sau khi hoàn thành chương trình THCS, nhiều phụ huynh và học sinh đã tìm đến các trường trung cấp, cao đẳng để đăng ký xét tuyển. Thời điểm này là cao điểm tuyển sinh, nhiều trường trung cấp, cao đẳng có uy tín đã cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu và chuẩn bị nhập học.

Cô Nguyễn Phương Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, nhà trường có 7 ngành nghề trong Chương trình 9+, trong đó 3 ngành được phụ huynh và học sinh đăng ký nhiều nhất là: Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

Các ngành Điện công nghiệp, Thiết kế trang web, Thiết kế đồ họa, Chăm sóc sắc đẹp cũng được nhiều học sinh quan tâm đăng ký xét tuyển. Những ngành này hiện vẫn còn chỉ tiêu để các em đăng ký xét tuyển.

Thông tin về cơ hội việc làm và học liên thông của học sinh tốt nghiệp Chương trình 9+, ông Hoàng Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội cho biết, nhà trường tuyển sinh 17 ngành nghề trình độ trung cấp.

Học sinh hoàn toàn yên tâm về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp vì nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn.

Sau khi tốt nghiệp chương trình học nghề trình độ trung cấp và văn hóa THPT, học sinh hoàn toàn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng, đại học; du học nghề hoặc xuất khẩu lao động…

Hòa Cù

Báo Lao động Xã hội số 81