Nhiều phụ nữ Việt thuộc top nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu
Tại Việt Nam, KH&CN là một trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng đáng kể (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước), cùng với đó là những đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, hóa học, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội…
Kết quả của các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và phát triển đời sống kinh tế đất nước.
PGS, TS Nguyễn Thị Trâm, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng.
Còn trong lĩnh vực hóa học và dược học, nhiều phát hiện mới về hoạt tính sinh học trong các loài thực vật sẵn có trong tự nhiên đã góp phần đưa đến nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng có giá trị.
Điển hình là sản phẩm Bioglucumin và Bioglucumin G của GS, TS Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm KH&CN) đã đoạt giải Vàng và Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội Các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc.
Trong lĩnh vực khoa học môi trường, PGS Hồ Thị Thanh Vân, người đã có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực pin nhiên liệu. Công trình của chị đã thay thế bạch kim trong pin nhiên liệu, giúp giảm giá thành mà lại tăng độ bền.
Nghiên cứu được đánh giá là giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu để cải thiện hiệu suất và cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.
Cuối năm 2022, TS Lê Thái Hà được vinh danh trở thành phụ nữ Việt duy nhất trong top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. TS Hà hiện là Giám đốc điều hành của giải thưởng VinFuture, sau gần 10 năm là giám đốc nghiên cứu và giảng viên cao cấp ở một trường đại học.
Chị cũng là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất được Nhà xuất bản Elsevier công bố hồi tháng 10.
TS Hà có hơn 70 bài báo nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín, gồm nhiều tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng.
Tất cả bài báo nghiên cứu khoa học của chị đều thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó khoảng 85% thuộc nhóm Scopus Q1 hoặc ABDC (Australian Business Deans Council), với chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*.
Không chỉ trực tiếp nghiên cứu KH&CN, các nữ giảng viên và những người làm công tác nghiên cứu khoa học còn đóng vai trò là người truyền tri thức, truyền lửa cho sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục đào tạo, tham gia bồi dưỡng hướng dẫn sinh viên, học viên, thực hiện nghiên cứu khoa học.
Trong 13 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có gần 6.000 hội viên (trong đó có 24 GS, 224 PGS, 727 TS và gần 2.000 thạc sĩ).
Vừa lo sự nghiệp, vừa xây tổ ấm
Mặc dù đạt nhiều thành tựu đáng kể trong sự nghiệp nghiên cứu KH&CN, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước nhưng các nhà khoa học nữ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đến từ gia đình và xã hội như: Vừa phải đi làm, vừa phải làm tròn thiên chức làm mẹ; quan điểm "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn phổ biến trong nhiều cộng đồng dân cư khiến phụ nữ mất đi cơ hội phát triển...
GS, TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Minh Thủy, giảng viên cao cấp môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ bày tỏ: "So với nam giới, nữ giới tham gia làm nghiên cứu khoa học phải đối mặt với những thách thức và rào cản nhiều hơn khi phải cân đối hài hòa giữa công việc gia đình và sự nghiệp của bản thân.
Với nữ giảng viên, công việc gia đình không thể sao nhãng, công việc giảng dạy và nghiên cứu cũng phải hoàn thành".
Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Nghiên cứu khoa học cần sự tập trung cao và dành nhiều thời gian cũng như tâm huyết, song cán bộ, giảng viên nữ với thiên chức của mình (làm mẹ, nuôi con) mất khá nhiều thời gian trong các công việc gia đình, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, tâm lý ngại va chạm, dấn thân của nữ giới đôi khi cũng trở thành rào cản trong hợp tác nghiên cứu khoa học”.
Trước những vấn đề đó, GS Nguyễn Minh Thủy đề xuất, để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học nữ, chúng ta cần có những chính sách khuyến khích riêng và đặc thù hơn.
Đơn cử, một số chương trình KH&CN quốc gia có thể ưu tiên các nhà khoa học nữ để khuyến khích họ tham gia và phát triển mạnh, chuyên sâu hơn ở lĩnh vực nghiên cứu, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho các nhà khoa học nữ trong công việc, giúp họ cân bằng giữa cuộc sống gia đình và đóng góp giá trị cho xã hội.
Các nhà khoa học nữ có chung mong muốn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN và các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện với những chính sách, cơ chế đầu tư nguồn nhân lực khoa học nói chung và giới khoa học nữ nói riêng ngày càng cụ thể hơn với các cơ chế đặc thù như Quỹ KH&CN dành cho các nhà khoa học nữ hay các cơ chế chính sách ưu tiên chương trình KH&CN dành cho nhà khoa học nữ…
Nguyễn Síu
Báo Lao động và Xã hội số 126