Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ.

Nhà tuyển dụng cấp cao Jason Yang, CEO công ty Touch HR có trụ sở tại Thâm Quyến bận rộn tuyển dụng cho các vị trí liên quan đến AI tại các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, từ các startup như DeepSeek đến tập đoàn lớn như ByteDance.

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI - 1
Làn sóng tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực AI ở Trung Quốc đang nóng lên. (Ảnh: Straits Times)

Trả lời Straits Times tại hội chợ việc làm ở trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến, ông cho biết nhu cầu về nhân tài AI ở Trung Quốc hiện vượt xa số lượng người đủ tiêu chuẩn đảm nhận những công việc này. Để lấp đầy các vị trí tuyển dụng, công ty của ông đã tìm kiếm nhân tài AI hàng đầu từ nước ngoài, bao gồm Mỹ, châu Âu và Singapore, ông Yang cho biết. 

Những ứng viên thường là người gốc Hoa, từng học cử nhân và thạc sĩ tại các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, sau đó tiếp tục theo đuổi nghiên cứu tiến sĩ tại Mỹ. 

Những chuyên gia "săn đầu người" như ông Yang đang gặp nhiều thách thức trong việc tìm ứng viên phù hợp khi cuộc đua giành nhân tài AI tại Trung Quốc ngày càng nóng lên. Các tập đoàn công nghệ lớn như Xiaomi, Alibaba đang tăng cường mở rộng đội ngũ nhân viên mảng AI, trong khi nhiều công ty ở các ngành khác cũng tham gia vào làn sóng AI.

Sự thiếu hụt nhân sự có kỹ năng AI đã khiến một số công ty sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để thu hút nhân tài, thậm chí lôi kéo nhân viên từ các đối thủ cạnh tranh và mở rộng phạm vi tìm kiếm ra nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, phương án này có thể không hiệu quả về mặt chi phí do kỳ vọng lương cao của nhân sự nước ngoài.

Sự bùng nổ của DeepSeek, cái tên mới trong lĩnh vực AI của Trung Quốc đã làm rung chuyển toàn bộ hệ sinh thái AI trong nước, thúc đẩy nhiều công ty ủng hộ startup này và các mô hình của họ. Vào tháng 1, DeepSeek khiến giới công nghệ toàn cầu sửng sốt khi ra mắt mô hình AI mã nguồn mở giá rẻ, hiệu quả cao, có thể cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.

Dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Trung Quốc Zhilian Zhaopin cho thấy, trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ngày 4/2, số lượng đơn xin việc cho vị trí kỹ sư AI đã tăng 69,6%.

Theo báo cáo của McKinsey vào tháng 5/2023, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ cần khoảng 6 triệu nhân sự AI nhưng nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được khoảng một phần ba, tạo ra khoảng trống khoảng 4 triệu lao động.

Một báo cáo khác vào tháng 8/2024 của Đại học Nhân dân Trung Quốc cũng nhấn mạnh, thị trường nhân tài AI của Trung Quốc đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu như nhà khoa học AI và những người có chuyên môn liên ngành. 

Một trong những chiến lược cạnh tranh nhân tài của các công ty công nghệ Trung Quốc là đưa ra mức lương hấp dẫn. Ông Yang cho biết, những người tốt nghiệp tiến sĩ có thể nhận mức lương hàng năm từ 109.000 - 137.000 USD. Mức lương cao nhất mà ông từng thấy dành cho nhân tài AI hàng đầu rơi vào khoảng từ    1,3 đến 2,7 triệu USD mỗi năm.

DeepSeek cũng đang ráo riết săn lùng nhân sự giỏi. Theo một báo cáo của truyền thông Trung Quốc ngày 4/2, mức lương cao nhất mà DeepSeek có thể lên tới 211.257 USD mỗi năm.

Hiện, DeepSeek có khoảng 150 nhân viên và đang tìm kiếm thêm 52 vị trí mới, chủ yếu tại Hàng Châu và Bắc Kinh. So với mức lương trung bình của một kỹ sư AI tại Trung Quốc, con số mà DeepSeek đưa ra cao gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn cũng sẵn sàng chi đậm để lôi kéo nhân tài từ các công ty khác. Các chuyên gia nhận định, sự tin tưởng ngày càng tăng vào tính khả thi về mặt tài chính của AI chính là yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ tuyển dụng trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chuyên gia Kailing Shen tại Đại học Quốc gia Australia cảnh báo, trong một thị trường cạnh tranh, chi phí tuyển dụng cao có thể khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. “Việc ứng dụng AI sẽ là một quá trình dài hạn và phi tuyến tính, giống như những cuộc cách mạng công nghệ trước đây”, bà nói.

Giáo sư Zeng Xiangquan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh dự đoán, sự thiếu hụt nhân tài AI của Trung Quốc có thể được giải quyết trong vòng 5 - 10 năm tới nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục AI.

Các trường đại học hàng đầu như Đại học Thanh Hoa và Đại học Nhân dân đã thành lập khoa AI và triển khai chương trình giảng dạy chuyên sâu để mở rộng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Zeng, thách thức thực sự trong dài hạn là khả năng thu thập đủ dữ liệu để đào tạo mô hình AI và tăng cường sức mạnh tính toán - yếu tố then chốt của sự tiến bộ AI, đặc biệt trong bối cảnh các lệnh hạn chế chip từ Mỹ vẫn đang có hiệu lực.

Tại hội chợ việc làm ở Thâm Quyến, Bob Liu, 41 tuổi, đang tìm kiếm cơ hội công việc trong lĩnh vực AI. Trước đây, ông từng là trưởng bộ phận kỹ thuật tại nhà sản xuất hệ thống máy chủ của Mỹ nhưng mất việc khi công ty rời Trung Quốc do các lệnh cấm vận chip của Mỹ.

Máy chủ là yếu tố quan trọng trong cung cấp sức mạnh tính toán cho các ứng dụng AI. Ông Liu vẫn lạc quan về triển vọng tìm được việc làm mới: “Tôi nhận thấy rằng hầu như công ty nào, bất kể ngành nghề, đều đang có một đội ngũ AI".

Đức Hoàng

(Theo Straits Times)

Báo Lao động và Xã hội số 24

Tin liên quan
Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

(LĐXH) - Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, nhân lực giỏi công nghệ, biết vận dụng AI vào công việc...